– A bác Thủ đây rồi! May quá! – Bà Đồ Ngật đang nói xoe xoé với ông Hàm quay ra nhìn Thủ, ớ lên mừng rỡ. Ngồi lố nhố phía trong còn đến bốn bà nữa. Người nào cũng nhấp nha nhấp nhổm.
– Bá cáo với bác Thủ là thế này ạ! – Bà Đồ Ngật nhả miệng bã trầu, quệt đôi môi tím đen, bắt đầu nói dóng dả, trơn tru như róc mặt:
– Hơn tháng trước đói quá, nồi niêu nhẵn như đít bụt, em có đến giật nóng bác Hàm ít tiền, nhưng bác bảo tới chiêm là phải trả bằng thóc với giá mười hai ngàn một tạ mới cho vay. Vậy rằng là em phải bán lúa non đấy ạ? Buổi trưa bác Hàm có nhắn cho may chị em đây là tối nay chúng em phải giả thóc để bác dùng, cho nên mấy chị em cùng phải bán lúa non kéo nhau đến đây có lời xin bác, thôi thì lá lành đùm lá rách, một miệng đói bằng cả gói khi no, bác đã thương chúng em thì hãy thương cho trót! Cho chúng em được gửi lại bác bằng tiền! Vì giá cả bây giờ leo thang nhanh quá, nhanh như mèo trèo cây cau? Nên chúng em cũng chả dám để bác thiệt. Chúng xin trả bác thêm mỗi tạ tám ngàn, vị chi rằng là 12, thì bây giờ chúng em xin trả bác 20, chứ bắt chúng em trả thóc thì chúng em chết! Trông mỏi mắt mới được mấy nồi thóc, lại mang trả nợ hết thì biết sống bằng gi? Ngay trả tiền thế này là chúng em cũng gay lắm! Tiện có bác Thủ là người chăm lo đời sống cho bà con cả xã ở đây chúng em xin thưa thế đấy ạ…
Ông Hàm vẫn quần đùi áo lót ngồi một mình một đi – văng rít lạch xạch một hơi điếu bát, rồi nói gằn giọng trong khói thuốc:
– Thế là các bà thất hứa! Các bà lừa tôi! Các bà chỉ biết được việc mình.
Bà Đồ Ngật vẫn ngọt lừ như chè kho, đúng là một trưởng đoàn ngoại giao có tài:
– Thôi thì cái khó nó bó cái khôn! Bác có trách chúng em, có chửi chúng em, thì chúng em cùng sống tết chết giỗ mang ơn bác! Bây giờ chị em chúng em xin chào bác. Từ bây giờ đến lúc gà lên chuồng là chúng em xin chạy đủ tiền mang đến hầu bác! Xin chào hai bác!
Chưa dứt lời, cả bốn người đàn bà đã nhon nhón bước ra cửa chạy như trốn. Đến thế thì dù ông Trương Phi có sống lại cùng không câu nổi! Lát sau ông Hàm mới tủơ ra đau đớn:
– Thế là mấy con mẹ thối thây này giết ta rồi! Chả là sáng nay, ông hàng phở và ông thợ sửa đồng hồ trên phố huyện cho người về báo với ông Hàm là chiều tối nay họ sẽ xuống lấy số thóc mà ông Hàm đã hứa bán và đã cầm tiền của họ từ hồi tháng 3. Lúc ấy ông Hàm đã ngồi ở giữa làm chân ăn phết phẩy ông nhận của những người trên phố theo định giá là 20 ngàn một tạ thóc để mua lúa non ở đây là 12 ngàn một tạ ông được lời 8 ngàn một tạ. Ông Hàm đã nhận tiền trước năm tạ, hứa đến gặt chiêm sẽ trả thóc. Bây giờ mấy bà nhất định không trả thóc, mà chỉ trả lãi suất chút đỉnh. Thóc bây giờ là 50 ngàn một tạ mà mấy bà chỉ trả 20, đúng cái giá ông bán cho mấy người trên phố. Chả nhẽ họ lại biết mánh của ông! Thế là chết đứt đuôi rồi! Bới đâu ra năm tạ thóc bây giờ để trả họ? Xúc ở nhà đi ư? Có mà tự cắt ruột mình đi còn hơn!
– Thì em đã bảo bác ngay từ dạo ấy – Thủ nói rầu rầu – Lúc đói đi vay, nói thế nào mà họ chả gật. Nhưng lúc phải gánh thóc đi trả nó xót xa lắm! Lại chơi phải toàn những tay khôn lỏi, họ thừa biết nhà mình không thể đôi co to tiếng với họ được. Còn nếu báo cáo với uỷ ban nhờ phân giải, thì chính những người mua lúa non sẽ bị khiển trách! Sẽ bị quy là học cách cho vay lấy lãi như địa chủ ngày xưa!
Ông Hàm ngồi lầm bầm. Cả hai anh em không ai nói thêm gì nữa, và tránh nhìn nhau. Ông Hàm biết Thủ đến không phải là đi chơi suông. Nhất định con Đào đã rỉ róc với Thủ rồi. Từ hôm qua đến giờ lúc nào mặt Đào cũng hằm hằm, khiến nhà chị Bé thấy rét, đi lại men mén. Đến bữa, chị ngồi đầu nồi, xới cơm xong mời lễ phép:
– Mời ông xơi cơm. Mời hai cô xơi cơm!
Ông Hàm khẽ ửm trong cố họng, còn Đào với cái Hoa cứ lặng thinh. Tất cả cắm cúi ăn, cứ như một đám người dân ăn cơm quán! Rồi chị Bé tranh phần cất dọn, rửa bát, cẩn thận như lau như li. Đào càng ức! Rõ ràng chị ta chơi bài lì đây! Buổi chiều gặp Thủ trên đường lên xã, Đào lại giục Thủ phải nhanh chóng sang nói chuyện với ông Hàm, chứ không thì cháu điên lắm rồi, không thể chịu được nữa! Thủ hắng giọng, rồi vẫn cứ nhìn xeo xéo, nói nhỏ:
– Bây giờ gặt hái xong rồi, vãn việc rồi, bác còn giữ nhà chị Bé ở đây làm gì!
Đã bảo mà! Chú cháu nó bắt đầu dồn ông đây! Ông Hàm chép miệng, nói nhỏ, vẫn thủng thẳng:
– Lo gì không có việc! Bây giờ lại hoá ra là nhà neo người. Chả nhẽ tôi phải ra đồng à?
Thủ ngước lên lộ vẻ ngạc nhiên, và bụng thì đã thầm kêu Thôi đúng là có chuyện ấy rồi? Ông này hỏng to rồi!
– Không ai bắt bác phải ra đồng. Anh em cả một góc làng, ngày mùa ngày vụ mỗi người xúm vào một tay. Vì bá vừa khất núi, giờ cứ để một người đàn bà lạ trong nhà mang tiếng. Phải bảo chị ta đi, để giữ điều lành cho bác, giữ cho cả họ mạc.
Ông Hàm đang sịt soạt uống nước, bỗng dằn chén nước xuống khay, giọng trầm nhưng nghiêm:
– Bây giờ thì chú hãy cứ giữ lấy cái danh của chú! Giữ lấy cái thân của chú. Không khéo phen này chú gay với bọn chúng nó! Lâu nay tôi vẫn nghĩ vây cánh chú mạnh, có nhiều người cắt máu ăn thề với chú. Nhưng đến vừa rồi thì chỉ thấy được thằng Cao. Nó được vì vốn là thằng ba trợn, nhưng chú đã thuần phục dắt mũi được nó thế là khá! Còn bọn khác xem ra đều là phường giá áo túi cơm, già dái non hột! Mấy thằng, mấy đứa trong họ được chú cho vào Đảng thì chỉ thấy ăn chạy đến, xun xun xoe xoe, nhưng thấy việc khó là lỉnh! Còn những người ngoài họ thì chỉ giỏi lập lờ nước đôi, gió đâu che đấy! Xem ra bây giờ cái máu hèn ở trong con người ta là phần nhiều! Người tiết tháo chẳng còn bao nhiều!
Ông Hàm e hèn một tiếng rất khinh khi, như là muốn nhổ vào cả cái đám chúng sinh tầm thường? Rồi giọng ông đanh lại:
– Còn tôi, mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng thấy bà ấy về! Bà ấy ghé sát vào màn, nhìn vào tận mặt tôi mà hỏi: Vậy cuối cùng ông được những gì? Ngẫm ra xưa nay tôi chỉ có mất chứ chưa được gì cả! Mà tôi có phải thằng lười thằng vụng, thằng ngu thằng hèn đâu? Chưa bao giờ là thằng hèn. Vì tôi ghét nhất giống hèn?
Giọng ông Hàm đã rung lên, rít lên. Thủ bối rối nhìn ông trưởng họ xưa nay vốn cứng rắn như thép, chưa bao giờ chịu than thân trách phận, chưa bao giờ chịu nhận mình sai. Vậy mà bây giờ ông đang bị sốc! Thủ chợt nhận thấy mái đầu húi cua của ông đã bạc hơn trước rất nhiều, những nét góc cạnh trên khuôn mặt gân guốc càng nhô cao. Con ngựa đầu đàn đã già rồi! Một tình thương bỗng dâng lên trong Thủ khiến anh quên mất cái điều canh cánh đang nói với ông Hàm. Thủ còn thấy mình ích kỷ với ông nữa.
Hai anh em cùng im lặng. Ngượng ngập, bối rối, cùng đưa mắt lơ ngơ nhìn ra ngoài sân gạch đang sẫm lại khi vạt nắng cuối cùng đã rơi khỏi ngọn tre. Bỗng có tiếng xe máy phành phành ngoài. Rặng hóp dưới cổng. Rồi một chiếc, hai chiếc, ba chiếc, tất cả đều đỏ rực, cứ như vừa từ trong đống lửa chui ra! Ba xe cõng ngất ngưởng ba người đàn ông: Lao xịch vào, rồi phanh két trước sân. Đằng sau xe là những bao bì và dây chằng, khí thế hăm hở đến chở cả núi cũng được!
Ông Hàm tái mặt, chưa kịp đứng dậy chào thì ba bố con ông hàng phở đã nhảy xuống, bước vào sân. Đúng là nghề nào ăn nghề ấy! Ba bố con đầu nung núc béo tốt, mịn màng như tứa cả ra ngoài da! Ông hàng phở chỉ trạc tuổi Thủ, bỏ chiếc mũ vải trắng đã ngả màu cháo lòng ra khỏi cái đầu mum múp, nhếch cười:
– Chào bác Hàm! Trước hết xin chia buồn với bác về việc rủi ro của bác gái. Dạ, lúc sáng em đã cho cháu nó xuống báo bác trước. Bây giờ bác cho bố con em xin số thóc đã hợp đồng với bác – Ông quay sang phía Thủ nhã nhặn gần như nịnh nọt:
– Dạ. Em hỏi khi không phải, bác có phải là bác Thủ? Đã có lần bác với bác Thủ bác Bí vào dùng cơm ở quán nhà em.
Thủ cười gượng gạo: Vâng, vâng. Bởi anh thấy nguy cơ cho ông anh mình rồi! Ông Hàm rót nước mà tay run run. Ông đưa chén trà thơm mùi hoa sói cho ông hàng phở, rồi quay ra gọi hai anh con trai ăn vận rất bảnh chọe, không biết có phải hai chàng đã biết nhà này có hoa khôi không? Hai chàng vẫn đứng lớ xớ ngoài hiên.
– Mời hai cậu vào xơi nước.
Rồi ông Hàm quay sang ông hàng phở với nét mặt rầu rĩ:
– Lúc sáng cậu trên nhà có xuống báo, nhưng tôi chưa tiện nói chuyện. Bác để thư thư cho hôm khác có được không?
Ông hàng phở nhường cặp mắt trô trố lên sững sốt:
– Sao? Thóc đầy nình nịch ở trong bồ kia, bác định để làm gì?
Ông Hàm gãi gãi gáy, càng lúng túng như anh học trò dết bị truy bài:
– Nói thật với bác là thế này, tôi cầm tiền của bác và bác Lục thợ may trên ấy rồi đi đặt mua thóc ngay từ dạo lúa còn đang chắc xanh, chứ có được tiêu đồng nào đâu. Đã có năm nhà nhận bán. Tiền họ đã nhận ngay từ bấy giờ. Nhưng vừa mới lúc nãy đây, họ đến bảo không bán thóc nữa, mà lại trả tiền. Mà trả có hai mươi. Thế có giết người ta không! Bây giờ tôi đang chết dở đây! Chưa biết xoay sở thế nào với số thóc đã hứa với hai bác. Hay là bác thông cảm nhận cho bằng tiền?
Ông hàng phở đã mất hẳn vẻ sởi lởi dễ dãi, giọng tỉnh khô tỉnh lụi:
– Nhận bằng tiền thì bác định trả anh em bao nhiều?
Ông Hàm càng khổ sở:
– Thôi thì họ đã chơi bài bấy như thế, thì tôi với bác mỗi người đành chịu thiệt một tý vậy! Chứ bây giờ bắt tôi phải có đủ số thóc thi gay quá.
Ông hàng phở dồn sát sạt:
– Thì tiền cũng được, không ngán! Nhưng tôi hỏi cụ thể là bác định trả tôi bao nhiều? Thóc bây giờ cứ lấy giá chẵn là 50. Thóc đẹp còn hơn nữa đấy. Nhưng thôi cứ 50 cho dễ! Ông Lục bao nhiều tôi không biết, còn tôi là 3 tạ. Không có thóc thì bác cứ chồng đủ 150 ngàn ra đây!
Nhìn quanh một lượt, rồi ông hàng phở đánh vào tim đen đối phương:
– Tôi biết bác mua lúa non ở đây chỉ có 12. Thế là mỗi tạ bác được lời 8 ngàn, sao bác lại bảo không được tiêu đồng nào? Vì tôi ở trên phố, không quen được bà con, mới qua phải qua cái cầu là bác, thế mà bác lại đinh đánh tháo! Không ổn đâu! Quân tử phải nhất ngôn!
Mặt mũi ông Hàm đỏ tía lia như hơ lửa. Chưa biết nên xử nhũn hay hắt cả khay chén vào mặt lão hàng phở, thì bỗng một giọng phụ nữ hơi the thé vang lên ngoài thềm:
– Bác Hàm nói đúng đấy, bác mua thóc ạ! Vì mấy người nhận bán thóc ở đây giờ họ đánh tháo cả, nên bác Hàm mới phải nói khó với bác thế, chứ ai nỡ dối trá để mang tiếng. Ý em rằng là thôi mỗi bác chịu thiệt một tý, chín bỏ làm mười để giữ cái tình đi lại.
Ông hàng vươn cổ ra nhìn người đàn bà cao, mình dây, da đỏ sậm, vẫn quần xắn móng lợn, rơm vương cả trên đầu, chị đứng nói gióng vào. Chị Bé? Phải, chính chị, người đang làm công làm mướn. Nhưng giờ thì chị đã thông tỏ hết mọi chuyện nhà ông Hàm rồi. Gảy rơm bên ngoài, nhưng chị vẫn chăm chú lắng nghe cuộc điều đình trong nhà. Đến lúc nay thì chị thấy mình phải nhảy vào cuộc.
– Bác Hàm đã có lời như thế, thì bác mua thóc cũng không nỡ hẹp lượng? – Chị Bé lại tiếp:
– Em xin tham gia thế này, Bác Hàm đã nhận tiền của bác theo giá mỗi tạ là 20, nhưng giờ không có thóc thì xin nộp bù cho bác là 30 ngàn một tạ, coi như bác cho vay lấy lãi. Thế là bác vẫn có lời còn bác Hàm do tin người nên đành chịu thiệt.
Trong lúc chị Bé nói, ông hàng phở cứ dùng cái mũ trắng lau mồ hôi trên trán bóng nhảy, mông như mông đàn bà cứ nhấp nhổm, nhúng nhính. Ông nghĩ chắc đây là em cô, em dì, vì vợ ông Hàm mới mất, nên nhà chị này đến đỡ đần bố con ông Hàm. Nhưng ông vẫn quyết không nhân nhượng 30, giá mềm quá, không được! Đồng tiền liền khúc ruột, trả rẻ thế bằng chọc vào ruột ông! Tiền ông bỏ ra là phải một vốn bốn lời. Tiền chứ có phải vỏ hến đâu!
– Bây giờ thì các bác nói thế nào, tôi biết thế! – Ông hàng phở cự lại – Dù bác có bị người ta lừa, thì bây giờ cũng không được lừa lại tôi! Cứ phải đủ như giao kèo!
Chị Bé cao giọng:
– Đàn ông đàn anh với nhau đã phải ngửa tay xin thế cũng là cực chẳng đã!
Ông hàng phở thấy cứ cò cưa với con mẹ trẻ khôn róc này thì mình đến đổ mất! Ông liền nghiêm giọng gắt lên:
– Chuyện đàn ông thì để đàn ông chúng tôi nói với nhau, xin chị đừng nói leo vào! – Rồi ông bỗng vỗ bộp vào tay ghế hét lên, như bây giờ mới phát hiện:
– A thì ra là các ông các bà định dồn tôi, định quây tôi phải không? Định kéo cả anh em họ hàng đến để trấn tôi hả? Ông nhảy xổ ra thềm, chỉ tay vào mặt người đàn bà em cô em dì hét lên:
– Đây là việc của tôi, là tiền là thóc của tôi với ông Hàm, nhà chị là ai mà cứ leo lẻo xấn xổ vào?
– Là ai thì mặc xác tôi? – Mắt chị Bé cũng long lên không vừa, nốt ruồi to trên má cũng như muốn nhảy ra – Người ta đã nói hết nước hết cái mà ông vẫn cứ khăng khăng. – Nói để ăn người, ăn quịt, ai chả nói được! Chị đừng có cái thóc cuốc giật vào lòng!
Tưởng ông bố và người đàn bà sắp nhảy vào giao đấu đến nơi, nên hai cậu con trai cũng bước ra. Nhưng rõ thật khéo. Chính lúc ấy Đào đạp xe lao vào sân. Cô lên phố về, nên ăn mặc không kém gì các cô gái hàng huyện. Quần ống chẽn, áo thun màu nước biển. Một mảnh băng tang đính bên ngực, mặt buồn như liễu rủ, nhưng quả nhiên là đẹp. Còn hơn những tiếng đồn! Không son không phấn, mà vẫn ăn đứt các cô trên phố. Đào xuống xe, ngây ra không hiểu nếp tẻ, còn hai chàng trai cũng ngây ra trước một bông hoa đồng nội!
Trong này ông Hàm cứ nhấp nhổm như kiến đốt, miệng như ngậm thị. Còn Thủ thì cay đắng ngồi chết lặng. Ông hàng phở đã bước ra giữa sân, quay lại ném những tia nhìn nóng hổi vào ông Hàm:
– Ông không sòng phăng với tôi là không xong đâu! – Rồi quay sang chỉ tay vào mặt người đàn bà đang làm ông muốn phát điên:
– Còn nhà chị là cái thá gì mà cứ chõ mồm vào? Hỗn!
Tưởng ông đã biết gốc gác của mình, nên nói kháy, nói giễu, cho nên chị Bé cũng nhảy thách lên mà rằng:
– Là cái gì thì mặc xác tôi! Cũng không khiến ông phải cho mũi vào!
– Cô B… é… Ông Hàm bước ra, tiếng đã muốn gầm lên.
Lập tức người em cô, em dì im thít, lui ngay vào chỗ cây rơm đang đánh giở. Ba bố con ông hàng phở nổ xe máy, phun khói xanh lè. Nhảy lên ngồi chễm chệ trên yên, ông hàng phở quay lại với bộ mặt đằng đsừng, tuyên bố:
– Ngày mai tôi với ông Lục lại xuống! Giả thóc hay tiền là tùy ông. Của tôi là 3 tạ thóc, còn giả tiền thì phải đủ 150 ngàn, cứ thế mà nôn ra, không boóng được của tôi đâu!
Ông Hàm gù gù cái lưng bước vào, gieo người xuống đi – văng. Trông ông lại già đi thêm vài tuổi! Ông lật bật nạp thuốc, hút. Vừa nhả những bụm khói đấng ngắt, ông vừa nói khàn khàn như hỏi riêng mình:
– Chả nhẽ đã đến lúc giậu đổ bìm leo rồi sao?
Thủ thân người nổi da gà. Anh nói nhỏ:
– Cũng phải cố mà thanh toán cho xong, không thì chúng nó sẽ làm ầm lên, sẽ xuyên tạc thêm ra. Mai em sẽ đưa cho bác đủ số tiền để bác trả lão hàng phở, còn bác lo mà trả lão thợ may.
Rồi Thủ quay ra cất giọng rất nghiêm, gọi:
– Đào dâu? Lên chú hỏi đây.
Đào đang rửa chân tay ngoài giếng, vừa rụt rè bước vào, Thủ hỏi độp ngay:
– Mấy hôm nay thằng Tùng nó có gặp cháu không? Hai đứa còn gặp nhau nữa không?
Đào chợt tái mặt, nhưng rồi cô đã nhanh chóng trấn tĩnh lại ngay:
– Cháu gặp làm gì? Cái thứ người ấy thì cháu cần gì!
Thủ phà khói thuốc, nói trầm trầm:
– Thì chú cũng nhắc mày thế. Vì nghe đám thanh niên nó kháo nhau là thằng Tùng nó vẫn hay kiếm cớ tìm cách gặp mày. Phải cảnh giác! Hôm qua thằng Cao nó bảo là buổi trưa nó gặp lão Địch ngồi uống rượu với ông Khừu trong quán phở bà cả Lợi ở trên đầu cầu kia. Tay Địch vốn có phải là người ăn uống la cà đâu. Mà xưa nay hắn có thân sơ gì ông Khừu. Phải đề phòng cánh bên ấy nó đang có âm mưu gì! Việc tay Địch mời rượu ông Khừu chắc là có sự chỉ đạo của lão Phúc. Trong hai người em rể: Thì Địch chịu ơn bên nhà vợ hơn là Tính.
Thù ném điệu thuốc còn quá nửa, đảo mắt, rồi hạ giọng:
– Đã có người nói nhỏ là có nhiều nghi vấn về cái chết của bá có bàn tay đun đẩy của cánh bên ấy! Điều này hãy thận trọng. Anh em trong nhà phải dặn nhau để ý nghe ngóng xem có bằng chứng gì cụ thể, chứ không được phát ngôn hấp tấp.
Trong lúc ông Hàm còn đang ngớ ra như vừa nghe một tiếng sét, thì Thủ đã đứng dậy bước ra sân về thẳng.
Bóng chiều buông từ lúc nào, nhuộm tím các rặng tre. Một lúc lâu sau, khi cả Đào cũng đã lui xông nhà dưới với tâm trạng bàng hoàng, ông Hàm mới lờ rẫm đứng dậy, rồi còng còng cái lưng to bè bước lửng khứng vào căn buồng đã tối mờ mờ, nơi có chiếc giường của bà Son. Ông không muốn ai động đến mình, không muốn ai nhìn thấy mặt mình lúc này.
Những sự việc ập đến dồn dập đã làm xương cốt ông rão ra, đâu óc váng vất. Ông nằm vật xuống giường, nơi đã in dấu là Son bao năm trời. Một mùi vị đầm đậm say say, lại khó gọi tên, nhưng đã quen thuộc với ông lắm, vẫn thoang thoảng đâu đây. Mặc dù theo lời bà Cả, Đào đã giặt hết cả chăn chiếu mùng màn, nhưng mùi vị của người chủ cũ vẫn lưu giữ, vẫn lan tỏa từ khắp các đô đạc trong buồng.
Ông nhắm nghiền hai mắt, nằm im lìm. Đầu óc mụ mị, thiêm thiếp. Các dây thần kinh như được mở nút thả chùng tự do, khiến người ông nhẹ đần, nhẹ đần, rồi trôi dập đênh vào giấc ngủ mệt nhọc. Có phải là giấc ngủ, hay là một con sóng từ thời ông đi đi rừng chặt gỗ xuôi sông Công về đóng đô? Hay là một cây đu tre ở đầu làng thế nhỉ? Mà đang đẩy ông lên rất cao, vụt cái, lại thả ông xuống rất sâu.
Rồi lờ mờ như có bóng người đang đứng đằng sau một bức mành, mở cặp mắt lom lom nhìn ông, cái nhìn ai oán, bong rát. Chợt bức mành bỗng tan ra, bay lả tả như tro tàn hàng mã được hóa vàng sau lễ cúng, và bà Son hiện ra ướt đẫm từ chân lên đầu. Bà cúi xuống, nước rỏ ròng ròng xuống cả người, cả mặt ông! Nét môi quả tim của bà run cái như cảm lạnh mấp máy hỏi:
Ông có biết làm sao tôi phải trầm mình không? Không phải tại ông hết cả đâu? Ông đừng lo nghĩ quá mà đâm bệnh. Dù ngọt bùi hay cay đắng thì cũng là đạo vợ chồng rồi còn chúng nó, bốn mặt con, đứa xa đứa gần, tôi vẫn phải có bổn phận với ông, với con.
Thế những ai đã bức mẹ nó? Có phải cánh nhà Phúc không? Chú Thủ cũng vừa bảo vậy. Nhưng đứa nào? Mẹ nó chỉ rõ ra để tôi gô cổ nó lại – ông Hàm há mồm định hỏi lại thế, nhưng không sao cất lời lên được. Bà Son như biết ý, cúi thấp nữa xuống đón lời ông, thì một luồng hơi lạnh toát dội xuống, lạnh tới mức như cả khối thạch áp vào, khiến ông Hàm giật nảy mình, miệng ú ớ bét lên như bị sặc nước. Chân đập đánh rình xuống chiếu.
– Thày! Cái gì thế hả thày?
Đào đang gấp quần áo ở buồng trên này, nghe tiếng ú ớ và tiếng đập xuống giát giường, nên hốt hoảng cầm đèn chạy sang, thì cô càng sợ líu lưỡi khi thấy ông Hàm nằm chân co chân đuổi, đôi tay thô tháp đặt trên ngực, hai mắt mở trừng trừng ngây dại vô hồn. Ánh lửa như giúp ông lấy lại khí sắc, xua tan cơn mộng mị. Ông Hàm ngồi bật dậy, xoa xoa mồ hôi lạnh rịn ra trên trán, và ông cảm thấy như cả căn buồng vẫn thấm đầy khí lạnh. Ông nói giọng rè đặc, nhợt nhạt:
– Tối rồi à? Thày vừa gặp u mày về!
– U con? – Đào thấy sởn cả gáy, nhìn ông Hàm bỗng chờn chợn như ông vừa đi lạc ở chốn mê cung nào về. Ông Hàm đứng dậy, nói nhỏ:
– Đi múc cho thày chén nước.
Rồi ông gù gù đi ra ngoài nhà, mặt âm thầm như vẫn chìm đắm vào những ảo giác. Ông đánh diêm châm cây đèn con trên bàn thờ, rồi kéo một góc chiếc màn gió. Trong góc ấy, ảnh bà Son đăm chiêu giữa khung kín nhỏ viền băng đen, ông Hàm đốt ba nén hương, rót một chén rượu. Đào bưng chén nước lã vào run run đạt bên cạnh, rồi nhìn ông hỏi khẽ:
– Có cần gì nữa không thày?
– Thôi đi xuống nhà, để thày nói chuyện với u mày!
Đào lại vào buồng trong. Dưới nhà bếp, chị Bé vừa nấu cơm, vừa thập thò nhìn lên bồn chồn. Chỉ có cái Hoa là không hay biết gì, đang dội nước tắm ào ào ngoài giếng.
Ông Hàm đứng sát vào bàn thờ, nhìn đăm đăm hình bà Son mờ tỏ sau làn khói xám. Ông sịt soạt dọn giọng, rồi nói rất nhỏ, gọi rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho chính ông nghe. Có một niềm tin từ xa xưa của những tín đồ đạo Phật, rằng khi khấn, khi gọi hồn, người ở chốn dương gian chỉ cần nói thầm ra khỏi cửa miệng, nhưng phải gọi đúng tên, chỉ đúng chỗ người âm đang trú ngụ, là lập tức mạch thông tin giữa âm dương được nối liền. Và đường dây để truyền khẩu chính là khói hương đang tỏa mùi thơm huyền bí đấy! Khói hương sẽ đánh thức người đang ở chốn âm sâu lập tức vượt khỏi sự bịt bùng của ba thước đất mà cưỡi mây vượt gió trở về nơi cư gia của thân nhân đang thì thầm nhắn gọi!
– Bà Son, mẹ nó ơi! – Ông Hàm rầm rì:
– Mẹ nó đang ngự ở xứ đồng Cây Quéo vừa về báo mộng cho tôi phải không? Tôi chưa kịp nghe mẹ nói gì! Sống khôn thác thiêng bớt giận làm lành, mẹ nó phù hộ cho tôi, cho các con được đại an. Mẹ nó cần dặn gì đêm nay hãy về báo cho tôi, nhà đang có nhiều chuyện khó khăn lắm!
Trong lúc cả nhà ông Hàm đang trầm lắng, bảng lảng một không khí rất thiền, thì ở nhà Vũ Đình Phúc lại có cuộc họp của chi bộ gia đình. Vẫn ba cái chân kiềng chủ chốt: Ông Phúc và hai ông em rể là chồng bà Lộc, bà Tài. Ông Phúc đã sai thằng cu Cân sang xóm Mới gọi Tùng, nhưng Tùng đi họp trên huyện đội chưa về. Ngoài Ban tham mưu này, chi họ Vũ Đình còn có ba đảng viên nữa đều do công lao ông Phúc gây dựng từ ngày ông còn làm chủ nhiệm. Đó là anh chàng Lương và cô Nụ, cô Bồng. Tất cả đều là cháu họ chi trên, gọi ông Phúc bằng chú. Nhưng bây giờ cái tổ tam tam ấy coi như thối! Lương thì vẫn được làm chân chạy vật tư cho hợp tác, cũng hay tắc lém thuốc sâu, phân đạm và đủ thứ linh tinh trong kho như cóc đớp mồi, nên họp hành cứ ngậm hột thị im thít. Còn cô Nụ, cô Bông, ngày xưa một cô là tổ trưởng tổ bèo dâu, một cô phụ trách nhà giữ trẻ. Cả hai ông Phúc đều ưu tiên cho ăn công điểm loại 1, nên cũng hăng hái đáo để. Nhưng giờ vừa không còn hai cái chân đó, lại vừa chồng con lấn bấn, hai nữ đồng chí đó đã thành hai mẹ gái sẽ mắn đẻ, lúc nào cũng quân áo lôi thôi, vú mướp chảy dài tới bụng, ngồi họp chi bộ mà cứ mắt gà mắt vịt, chỉ muốn chuồn về chăn lợn và cho con bú! Ba người này ông Phúc chỉ còn nhờ được khi bỏ phiếu. Trước khi bầu bán ông rỉ tai hùn phiếu cho ai là họ phải y lời. Nhưng đâu phải cuộc họp nào cũng bỏ phiếu! Bây giờ ông đang cần một sứ giả thật dẻo lưỡi để đi phân hóa lực lượng đối phương. Phải đánh từ trong lòng đối phương đánh ra! Muốn bắt cái cây tuyệt sinh, thì phải thả con sâu vào đục từ trong ruột!
– Các chú xem có các nào gặp được bà Cả không? Phải là bà Cả, cô Cành, người cùng gốc cùng rễ mà tố ra thì mới có sức nặng, chứ ông Khừu vừa là người ngoài, lại vừa nát rượu, dựa vào đấy cũng chưa chắc ăn – ông Phúc hỏi lại lần nữa và vạch phương hướng hành động. Nhưng cả hai ông em rể vẫn im lặng, sịt soạt chén nước trong tay. Ông Phúc lại quay sang bà Dần đang ngồi trên giường vẫn lắng nghe chuyện của ba anh em. Giọng ông đã gắt:
– Bà đã thấy cái tính thiển cận của bà làm hỏng việc lớn của người ta chưa? Nghe nói chú cháu nhà Thủ nó đã xui tay Sửu chủ tịch sẽ gọi bà lên bắt phạt về tội chửi đổng?
Bà Dần chỉ còn biết ngồi thu lu im lặng nhận lỗi. Ông Phúc vẫn đay nghiến bực bõ:
– Đáng nhẽ lúc này là lúc tốt nhất để chia rẽ họ hàng nhà nó, phân tâm nhà nó, để nó tự vặt lông nhau cho phơi ra những mặt dơi mặt chuột giữa bàn dân thiên hạ. Thật là dịp may hiếm có, đến bỏ tiền ra cũng không mua được! Thế mà cái mồm hoác toác của bà đã làm hỏng ráo cả. Đang bạn thì biến thành thù! Vì xưa nay anh em nhà tôi có xích mích gì với mẹ con bà Cả đâu.
Thấy tham mưu trưởng đã nổi cáu, ông Tính liền dàn hòa:
– Thôi mà bác Phúc, việc đã thế rồi, giờ ta phải tìm cách gờ dần dần. Theo em chú Địch vẫn tiếp tục bám ông Khừu để khai thác. Nếu không có ông Khừu nói thì làm sao ta biết được cái đêm bà Son bỏ đi, bà Cả nghe tiếng động, rồi thấy như có người rình ở ngoài vườn nhà bà ấy. Cứ tiếp tục khơi nữa vào để tìm thêm tang chứng! Phải kiên trì bóc từng lớp vỏ rồi sẽ tới lõi! Cùng với việc bám ông Khừu, ta phải nghĩ xem có cách gì thêm nữa.
Cách gì ở đây là em ông Phúc đang nghĩ làm sao lôi kéo được mẹ con bà Cả, để bà Cả và cô Cành viết đơn hoặc đến gặp trưởng đoàn công tác cửa huyện, gặp ủy ban xã đề nghị xem xét về cái chết của bà Son có gì uẩn khúc với anh em ông Hàm không? Nếu mẹ con bà Cả lại có những chứng cớ để truy cứu trách nhiệm thì thật tuyệt! Đây là thời cơ có một không hai để hôm này vào học nghị quyết 04, anh em nhà Vũ Đình sẽ làm trong sạch chú cháu Thủ Cao, Cao Thủ như làm cỏ! Chỉ có dịp này mới có thể đánh tận gốc, trốc tận rễ vây cánh nhà Trịnh Bá ra khỏi mọi quyền lực từ thôn lên tới xã. Một cuộc cách mạng thay đổi đến triệt để! Giá không có cái mồm gà mái quang quác của bà Dần, thì anh em ông Phúc đã nắm chắc phần thắng rồi!
– Để ngày mai em nói chuyện với thằng Tùng xem, nó vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các bác và em – ông Địch chồng bà Tài, một cán bộ tuyên huấn cựu trào ở nông trường bò sữa lên tiếng. Địch cũng người gốc làng này, nhưng nhà nghèo, họ hàng chẳng có ai. Địch là anh em xa với bà Dần. Chính bà Dần dắt mối cho Địch lấy Tài. Ngày ấy Tài cũng là cô gái đẹp, cho nên Địch lấy được Tài là may lắm. Đúng như Thủ đã nói với bố con ông Hàm lúc chiều, là trong hai người em rể, thì Địch chịu ơn vợ chồng ông Phúc hơn là Tính. Và cũng đúng là hôm qua Địch đã kéo được ông Khừu chồng bà Cả vào quán bà Lợi béo khi hai người cùng đi chợ Đầu Cầu. Nhưng mới khai vị được ba chén, câu chuyện bắt đầu đi vào chiều sâu, đang có vấn đề thì ông Khừu đâ rượu vào lời ra, cười nói ầm ầm, khiến Cao đang chữa cái Babetta gần đấy liền chạy sang. Thế là hỏng bét. Cái thằng CIA cứ lảng vảng quanh quẩn bên cạnh thì còn chuyện trò được gì. Nhưng dù sao thì ông Khừu cũng đã hé mở được chút bí mật rất quan trọng để anh em ông Phúc tiếp tục lách lưỡi dao vào rồi! Địch chi một cút con hươu và đĩa cổ cánh đã không lỗ!
– Em sẽ nói cho thằng Tùng biết là không bao giờ tay Thủ nó dùng thằng Tùng. Thì cứ xem từ ngày vào được Đảng ủy, nhưng tay Thủ nó cho ngồi chơi xơi nước đấy chứ, có việc gì đâu! Thằng Tùng sẽ gặp vợ chồng cô Cành để nói chuyện. Đã mấy lần vợ chồng nhà ấy nhờ thằng Tùng hướng dẫn cho việc đóng gạch, đốt gạch. Em thấy vợ chồng nhà Cành có vẻ nể thằng Tùng lắm. Trong việc này cái chính lại là thằng Tùng. Nó phải có sự ham muốn lật tay Thủ xuống, thì lòng mới quyết tâm hành động! Thằng này xem ra còn hời hợt, nửa vời, nhìn người chưa tinh!
Ông Tính khẽ gật gù. Ông Phúc đưa cái nhìn tin cậy vào Địch, người chủ chốt trong việc soạn thảo những đơn từ văn bản để bắn vọt cầu vồng gửi lên huyện, lên tỉnh, từng làm Thủ nhiều phen cuống đi. Ông Phúc nói giọng dịu lại, như cung cấp thêm cho Tính và Địch về con người Trịnh Bá Thủ:
– Đúng là chú phải nâng cao nhận thức cho thằng Tùng! Chứ không để mắc hợm với tay Thủ như chơi. Tay Thủ ấy hắn là người biết làm chính trị đấy? Tức rằng là mọi việc hắn cứ làm như không? Yêu ai cũng không sàm sỡ, ghét ai cũng không hầm hè, cứ lặng lẽ làm để đạt tới mục đích. Cứ ngón cái ngày hắn đi học dài hạn ở tỉnh về là đủ biết. Vừa học xong một khóa đào tạo cán bộ cho cơ sở, thì đúng dịp xã đại hội đảng bộ. Thế là hắn lao vào làm đủ mọi việc thượng vàng hạ cám. Từ việc trang trí, lên huyện mời đội chiếu bóng, rồi tiếp khách ở xa, giúp ông Đáng bí thư viết báo cáo. Chỗ nào người ta cũng gọi anh Thủ, đồng chí Thú việc này lại phái đồng chí Thủ! Hắn có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả việc nấu nướng hắn cửng sắn tay nhảy vào chỉ đạo. Thế là ai cũng trầm trồ: Anh Thủ vừa đi học một năm rưỡi ở trường đảng tỉnh về đấy. Đến là giản dị, xông xáo và quần chúng quá thê! Hắn đã tự quảng cáo trước khi bầu đấy mà! Trong đại hội ấy, chỉ trừ hắn còn tất cả những người ở Giếng Chùa đều mất phiếu. Thế là hắn muốn nói hắn là bộ óc của cả Giếng Chùa chứ gì!
Giọng ông Phúc nghe đã rin rít gằn gằn. Ông muốn thú nhận nốt rằng kỳ đại hội ấy ông đã trượt vỏ chuối. Nhiều ý kiến phê bình ông hôm ấy, ông dám chắc là do Thủ xúi. Nhất là mấy anh có máu cơ hội, đánh hơi tài lắm, biết chắc ông Phúc sẽ đổ, nên thí luôn, chẳng hơi đâu bảo vệ! Xưa nay người ta chỉ phù thịnh chứ ai phù suy. Rồi sau đó nhân sự thay đổi hàng loạt.
Thay từ nhân viên trên xã đến đội trưởng sản xuất ở các làng. Vai trò của Thủ ở khắp mọi nới. Thủ bao sân tất. Khối anh ấm ức, nhưng lại cứ phải thi hành theo ý Thủ, vì cái thế của họ còn yếu. Anh em nhà Vũ Đình thì càng ngày càng thấy mình bị ép như ép giò mà không biết quậy bằng cách nào. Càng ngẫm, Phúc càng thấy Thủ càng hiểm hơn Hàm nhiều.
Mưu sâu, lại cộng với đang có quyền chức, nên Thủ càng dễ dàng thực thi những ý đồ của mình một cách sát sạt mà vẫn kín nhem, bởi Thủ có cái áo giáp nhân danh tổ chức, nhân danh Đảng ủy. Để đối lại, anh em nhà Vũ Đình chỉ còn mỗi một sách là thỉnh thoảng lại phóng một lá đơn tố cáo, nhưng chẳng khác bắn một mũi tên vào giữa trời đất, thật là tít mù bóng chim tăm cá, không còn biết kết quả ra sao!
– Nhưng bây giờ thì nó cụt vòi rồi chứ? – Ông Tính lên tiếng. Là người cũng ham đấu đá, lại luôn ý thức về cái chức từng là quản đốc của mình, nên mới về có dăm tháng nay, nhưng nay đã có đến vài cuộc họp đảng, Tính phát biểu ngược với Thủ, ý muốn nói Thủ chưa đủ trình độ và lịch lãm bằng mình được.
– Em thấy bây giờ hắn xoay xở là khó rồi đấy – Tính tiếp – Đảng viên ở làng ở xã bây giờ có nhiều thành phần, nhiều đối tượng, mấy anh cán bộ xã không nắm được yết hầu của họ như ngày xưa nữa, nên bây giờ không thể hống hách được.
– Thằng Thủ không hống hách, mà nó mị dân? – Ông Phúc giải thích – Nó có hét lác ai đâu mà cứ dim dỉm mật ngọt chết ruồi!
Có thật Thủ mị dân? Thủ mật ngọt chết ruồi như ông Phúc nói? Thì hãy chờ xem! Có điều chính lúc này, khi Bộ tham mưu của chi họ Vũ Đình đang bàn luận về Thủ, đang mong chờ Tùng, thì có lạ lùng không? Chính họ, Thủ và Tùng đang nâng chén chúc nhau ở tại nhà Thủ! Luyến dọn mâm lên giường ở nhà trên, rồi cười vui vẻ nói với Sửu và Tùng:
– Mời anh em, chú cháu đi xơi cơm, ăn muộn thế này chắc là đói lắm rồi?
Ba người vẫn đang ngồi nói chuyện ở sa – lông. Thủ đứng dậy treo cây đèn to lên cái móc trên trần cho ánh sáng tỏa cả trong nhà ngoài sân, rồi mở các cửa sổ cho mát. Sửu quay sang bảo Luyến:
– Chị với các cháu lên cả trên này cho vui.
Thôi mẹ con tôi ở dưới này, đâu cũng thế. Các cháu nó quấy lắm. Anh em uống rượu đi – Luyến quay sang Tùng cười hồn hậu:
– Cậu Tùng đừng làm khách nhá! Mấy anh em, chú cháu cùng làm việc với nhau, mà chả mấy khi thấy cậu đến chơi.
Tùng cười gượng gạo không biết trả lời sao. Anh biết Luyến nói rất thực lòng. Xưa nay Tùng vẫn nghĩ mấy bà con dâu của họ nhà này: Bà Son, bà Bích vợ ông Long và Luyến đều là những người đàn bà phúc hậu. Sao Đào không giống các bà ấy nhỉ? Tùng hoàn toàn bất ngờ về bữa rượu này. Hôm qua bõ Vòi mang giấy mời họp của Ban chỉ huy quân sự huyện đến, ở góc lại có mấy chữ của Thủ dặn rằng khi đi họp ở huyện về, Tùng nhớ rẽ vào nhà Thủ có chút việc, kẻo hôm sau Thủ bận đi vắng. Lúc nãy về đến đây trời nhá nhem tối, Tùng đã thấy Thủ và Sửu ngồi rì rầm bên bàn. Dưới nhà, mẹ con Luyến đang vặt lông vịt. Thấy Tùng, Thủ tỏ ra mừng rỡ. Thủ rót nước cho Tùng, rồi hỏi về cuộc họp chiều nay ở trên huyện. Tùng trả lời mạch lạc, đúng như báo cáo với bí thư đảng ủy, rồi đứng dậy cười nói ra vẻ bỗ bã, nhưng vẫn rất đúng phép tắc trên dưới:
– Xin phép hai bác, em về ạ!
Thủ kéo vai Tùng:
– Thong thả đã, hôm nay ở đây ăn cơm với mình. Có cả anh Sửu đây, mấy khi anh em mới có dịp ngồi với nhau! Chắc ông vẫn nghĩ là tôi sống khắt khe lắm hả? Rồi sẽ hiểu nhau dân dần Tùng à! Tôi với ông Sửu làm một hai năm nữa, rồi thì bàn giao cho lớp trẻ các ông chứ cho ai! Vậy mà gần đây có nhiều những tin tức thất thiệt quá! Khiến đồng chí với nhau mà người nọ cứ ngờ vực như người kia! Ta phải có trách nhiệm phải xua đi những ám khí!
Sửu cũng nói thêm vào, khiến Tùng không thể chối từ. Và đúng như Luyến trách khéo, đây là lần đầu tiên Tùng chén chú chén anh ở nhà Thủ. Thịt vịt luộc vàng ngậy, xếp đầy hai đĩa to. Thêm món canh măng. Chỉ có vậy, chứng tỏ chủ nhà không cầu kỳ màu mè, rất giàu tính thực tiễn!
– Ăn uống thật lòng nhá! – Thủ rót rượu ra ba chén Ai uống được đến đâu thì cứ uống, tửu bất khả ép. Tôi thì có thói quen phải vừa ăn vừa uống. Nào, lên đũa đi! Rồi vừa ăn, vừa chuyện.
Thủ thật xứng đáng là ông chủ, là người cầm lái, hướng cả Sửu và Tùng vào những điều làm anh băn khoăn dằn vặt. Bữa rượu nhâm nhi, nâng lên đặt xuống lâu lắm, nhưng đến khi buông đũa vẫn không có người nào say! Và Tùng thì rất nhớ Thủ dặn rằng: Lúc này đang có nhiều thông tin sai lạc, lòng người dễ ly tán, các Đảng viên chúng ta phải tỉnh táo, phải nêu cao tinh thần đoàn kết, phải bảo vệ uy tín cho nhau. Thôi thì không bảo vệ được như con ngươi của mắt mình như lời hứa trước khi vào Đảng, thì cũng cố gắng bảo vệ như chân tay da thịt mình, nhân dân cả xã đang nhìn vào mình?
Cho đến khuya khuya, Tùng mới ra về. Tới nhà đã thấy bà Sang và Mai em gái Tùng đi nằm. Thằng Tú dạo này đang ôn thi hết lớp 12, nên cu cậu đi học tổ suốt ngày suốt đêm: Vừa đẩy cửa vào nhà, bà Sang nam trong màng đã hỏi ra:
– Anh vừa ăn cơm nhà ông Thủ đấy à?
Tùng sửng sốt:
– Ai bảo mà U biết?
Bà Sang vẫn thủng thẳng:
– Ông Thủ đốt đèn sáng như ban ngày. Anh với ông Sửu, ông Thủ ngồi xếp vàng giữa giường ở trên nhà ai mà cả biết! U nói thì anh lại bảo U biết gì công việc của anh. Cơ mà anh làm sao biết bụng dạ người làng này! Đến tôi đấy sống gần hết đời mà vẫn chả hiểu được họ là người thế nào? – Ngừng một lát, bà Sang lại tiếp: Lúc tối cậu Phúc cho thằng Cần xuống tìm anh đấy, giờ khuya thì mai phải lên xem cậu ấy bảo gì…
Tùng bỗng thấy miệng đắng ngắt. Cái Mai nằm ở giường bên kia bỗng phì cười, nói gióng sang:
– Anh Tùng ăn cơm nhà ông Thủ là phải rồi! Muốn ấy cháu người ta thì cũng phải năng đi lại cho thân tình chứ!
Tùng càng giật thót người liền gắt lên:
– Con ranh! Biết cái gì mà hóng hớt!
Thì con ranh càng cười lên khinh khích, tưởng như nó sắp vùng dậy mà múa may trước mặt Tùng:
– Đừng tưởng em không biết nhá? Vải thưa cứ muốn che mắt thánh! Gốc nhãn ở đồng Dốc Cạn cứ là nhẵn thín nhá! Chắc là tổ phụ lão trồng cây đã thuê anh đi canh giữ hả? Hí hí!
Tùng làu bàu lấp liếm:
– Đừng có nhí nhố! Ngủ đi!
Nhưng trong bụng Tùng thì càng hoang mang. Con khỉ! Sao nó lại biết rõ thế nhỉ? Hay là nó với thằng An, người yêu của nó cũng dắt nhau ra thấm thúi ở gần đó mà mình không biết? Ờ nếu mình lấy được Đào. Đào về đây, ở liền với cái con bà cô này thì không biết sẽ ra sao! Giặc bên Ngô không sợ bằng bà cô bên chồng. Mai cùng tuổi với Đào, và công bằng mà nói, nó chỉ hơi béo quá, con gái mà đi lại cứ ruỳnh ruỵch!
Nhưng mặt mũi thì Mai không kém Đào bao nhiêu. Còn tính nết lại càng không chịu thua Đào một ly! Kẻ tám lạng người nửa cân! Nó với thằng An ở trên xóm Đầu Cầu đã ăn hỏi rồi. Nó cứ bắt nạt thằng An như nhện bắt ruồi. Với lại làm gì còn chuyện Đào bước đến cái nhà này mà lo! Và ông Thủ nữa, ông ấy gọi mình đến mời cơm rượu như khách quý, đèn thắp sáng choang, cửa chính cửa phụ mở toang, người qua lại ngoài đường nhìn rõ mồn một, làm thế để làm gì nhỉ? Chắc chắn không phải để quảng cáo ông cháu rể tương lai!
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mảnh đất lắm người nhiều ma |
Tác giả | Nguyễn Khắc Trường |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện xã hội |
Ngày cập nhật | 10/10/2021 03:08 (GMT+7) |