Tiếng nước chảy êm như ru tiếng lòng tôi bềnh bồng, trôi vào vô định.
Những quyết định tôi đưa ra, tại thời điểm đó, chắc chắn tôi đã đúng. Vì nếu không nghĩ vậy, tôi đã không làm. Nhưng quan trọng ở tương lai, quyết định đó còn đúng hay không? Tôi không biết!
Dù tôi đã đưa ra sự lựa chọn, song, ánh mắt của Thương vẫn chưa bao giờ làm tôi thấy nhẹ nhỏm. Và đặc biệt, trong một buổi tối như thế này, khi không có Diệp bên cạnh, việc mà lẽ ra nó phải như vậy, tôi bỗng thấy lòng mình cần đôi mắt kia, để tựa vào, để khuây khỏa.
Nếu tất cả đàn ông trên thế giới đều nói ra sự thật, thì nước mắt của phụ nữ sẽ hóa thành đại dương. Tất nhiên, ở nhiều khía cạnh, khi nói ngược lại, mệnh đề trên vẫn đúng. Ai cũng có những nỗi lòng chất chứa. Nói tôi ích kỷ cũng được, nói tôi mềm lòng nhẹ dạ cũng được, thậm chí nói tôi đa tình lãng tử cũng không sao. Vì mấy ai ngay thẳng đến tận cùng cốt cách tâm hồn. Hành động đưa ra vốn đã được bộ não cân nhắc sàn lọc đến mệt nhoài, chỉ có cảm xúc, cảm xúc là bất chợt, là vô vi.
Vậy nên tôi để cảm xúc của mình bay cao theo làn gió mát đang lung lay mấy khóm dừa cô độc.
Sau tiết mục khiêu vũ, tôi chạy qua cùng lớp cổ vũ văn nghệ cho ku Nhân, rồi thời trang, rồi múa lửa, tôi cứ tưởng Diệp cũng đâu đó quanh đây. Nhưng lúc về trại, muốn gặp em, vội tìm kiếm, mới biết em không còn trong trại nữa.
Em có thể ở đâu được chứ? Ít ra cũng phải nói với tôi một tiếng.
Nhưng không. Em đi trong im lặng. Và… tôi chẳng biết em đi đâu. Thậm chí đến “khả năng” thôi tôi cũng chả xác định được. Nên tôi không biết tìm ở đâu cả. Ước gì lúc đó cũng có điện thoại di động như bây giờ, có lẽ mọi chuyện sẽ khác, khác nhiều lắm. Vì nếu có điện thoại di động, không chắc tôi sẽ gặp Thương.
Em bỗng xuất hiện như thiên thần trong nỗi nhớ triền miên bao ngày ấp ủ. Thật nhẹ nhàng, em ngồi xuống bên tôi, không gần lắm, cũng chẳng xa. Đủ để với tay là chạm được vào nhau.
‘Có một bận em ngồi xa tôi quá…
Tôi nói thầm em xích lại gần hơn…
Em xích lại thêm một chút tôi hờn…
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa…
Tôi sắp giận em mỉm cười vội vã…
Đến gần bên và mơn trớn “em đây”
Tôi vui liền nhưng cũng chợt buồn ngay…
Vì như thế là vẫn còn… xa lắm’
Những câu thơ trong bài “Xa Cách” của Xuân Diệu làm lòng tôi bỗng thấy mênh mang. Gần 30ph trôi qua, hai đứa vẫn chẳng nói với nhau một lời. Ai đã đẩy em ra xa tôi chứ? Diệp ư? Không. Chính tôi. Chính tôi đã làm điều đó. Và Xuân Diệu đủ dũng cảm để tiến lại, kề bên tai, vì nói thầm thì phải kề bên tai chứ, và nói ai kia xích lại gần hơn. Còn tôi, tôi chẳng thể nào nữa. Tất cả như ly nước đã nghiêng đổ, không làm sao đầy lại được… Nên tôi không thể nào “sắp giận”, không thể nào “đến gần bên và mơn trớn”, cũng chẳng “vui liền” chỉ “chợt buồn ngay” mà thôi…
Tôi bất lực nhìn ngắm mái tóc dài được khép hết qua một bên vai. Chiếc kính lạ ở góc nghiêng không che được đôi mắt em dịu vợi. Đôi tay thon dài vẫn chống xuống thành hồ như buổi nào nói lời ly biệt.
Đó là một buổi tối buồn!
Người tôi thương ở đâu đó tôi không biết được. Còn người thương tôi, có lẽ vậy, đang ở trước mặt tôi đây, nhưng không tài nào ôm ấp, không tài nào gửi trọn vòng tay…
Không để tiếng lòng mình du dương theo cảm xúc. Tôi bối rối phủi đồ rồi đứng dậy, mặc cho những cuộn sóng đang thét gào trong tâm can.
Vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời từ bàn tay tạo hóa dưới trăng đêm có sức quyến rũ ghê gớm. Muốn quay lưng, chỉ bần thần, muốn dợm bước, chỉ chết lặng.
Nếu niềm vui mang đến cho ta sự thăng hoa thì nỗi buồn mang đến cho ta sự day dứt.
Thăng hoa có thể bay lên, tung tẩy. Còn day dứt, chỉ im lìm, tĩnh lặng.
Tôi không tài nào quay lưng được dù lý trí luôn thúc giục bên trong. Cứ thế, cứ thế… Thời gian trôi qua trong bao lâu tôi không đo đếm được…
Bất chợt em đứng lên, quay lại kẻ đang nhìn em say sưa trìu mến. Em tiến đến thật gần, hơi thở đã gần chạm vào nhau. Tôi nghe trái tim mình lạc nhịp. Chắc chắn em biết điều đó. Rồi em khe khẽ vừa đủ tôi nghe thấy: “V đi lạc đủ chưa?” Sau đó quay lưng. Bỏ lại tôi bơ vơ với thân xác chỉ còn trơ trọi. Vì tôi chưa hề đi lạc, cho đến khi nghe câu nói đó!
Quá mệt mỏi với bao công việc bề bộn suốt hai tuần qua, tôi về lều phụ, thả người xuống đống ba lô, phớt lờ mấy đứa bạn rủ chơi bài. Bây giờ trong lòng tôi chỉ lởn vởn những câu thơ vừa xuất hiện trong đầu.
Hôm nay ấy đeo kính…
Tôi buốn thấy xốn xang…
Đôi mắt tròn tinh nghịch…
Đeo kính bỗng dịu dàng…
Đến bên ấy tôi hỏi…
Đôi mắt sao thế kia…
Cúi đầu ấy đáp khẽ…
Buồn không chỗ sẻ chia
…
Chợp mắt chỉ được chút. Tiếng còi tập trung làm tôi bật dậy như một phản xạ. Đội ngũ chơi trò chơi lớn đã tập trung đầy đủ. Chạy về hướng trại chỉ huy.
Mã morse và semaphore được anh Sanh với anh Mạnh đánh phía trên sân khấu. Đã phân công từ trước, lớp tôi nhanh chóng dịch ra bạch văn “Điểm danh đi về hướng nam.”
Băng hồ lội nước, quấn dây làm võng, hóa trang thương binh… đủ các kiểu “hành hạ” của anh Sanh bọn tôi mới về đến đích, kết thúc hành trình trò chơi lớn mệt nhoài.
Bóng nắng vừa quá cây sào, trời bỗng kéo mây. Cơn mưa bất chợt ào đến như muốn dội sạch bao muộn phiền bên dưới. Gió thổi lớn, vài tiểu trại thiếu kỹ thuật cắm bị bật gốc, gãy đổ. Dù trại tôi cản gió khá nhiều nhưng được hơn 20 cọc tre níu giữ nên chỉ lung lay chứ không sao.
Về đến lều phụ, thấy mấy đứa đang chơi trò họa sĩ mù cười tíu tít. Vào bên trong, Diệp đang đếm lại suất ăn sáng. Thấy tôi, em cười thật tươi:
– Trò chơi lớn có được giải không bí thư?
Tôi chẳng biết nên vui hay nên bực.
Được nhìn thấy em rạng rỡ trước mặt tôi đã là một sự an ủi lớn. Như kẻ vừa rơi mất niềm vui bỗng nhìn thấy nụ cười, tôi không thể quay lưng với nụ cười đó:
– Tối qua Diệp đi đâu V tìm không thấy?
Nét bối rối thoáng lên trong mắt, em nhẹ nhàng đáp:
– Diệp có vài người bạn đến chơi nên ra ngoài. Lúc về tìm V thì thấy V bên bờ hồ với Thương nên Diệp ra căn – tin ngồi…
Em tìm tôi. Và em thấy tôi bên ai kia. Nếu là tôi, tôi thấy em bên người khác, liệu tôi sẽ như thế nào nhỉ?
– Diệp ngồi với ai?
– Một mình chứ với ai?
– Không ngủ?
– Có ngủ. Mà 3h Diệp mới ngủ.
Chợt thấy trong lòng dâng lên bao nỗi niềm day dứt. Rốt cuộc, tôi vẫn chơi vơi giữa dòng chảy cảm xúc luyến ái này. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình có lỗi… với cả hai. Nhưng với Diệp nhiều hơn.
Trưa hôm đó, hội trại dần về cuối. Các trò chơi cũng đã hết. Chủ yếu dọn dẹp vệ sinh và chuẩn bị dự lễ bế mạc, trao thưởng, rồi dở trại.
Ai nấy đã mệt nhoài. Đến mức tín hiệu morse báo tập trung vang lên inh ỏi, ngoài lớp tôi rệu rã tập trung sớm ra, các lớp khác cứ nằm kềnh tại lều.
Có hơn 30 giải thưởng cho các khối lớp từ trò chơi nhỏ, đôi nhảy đẹp, văn nghệ, cổng lều trại cho tới các giải về kỷ luật, kiến thức, phát thanh, múa hát tập thể. Trong đó lớp tôi có đến 5 lần lên bục nhận phong bì.
Đến lúc công bố giải toàn đoàn, cô Ngọc gọi 5 lớp gồm 10/2. 11/3, 11/4, 11/8, 12/5 Lên bục chuẩn bị. Tôi đứng giữa bí thư 11/3 và 11/8. Nhìn Linh với xấp phong bì trên tay, tôi hỏi:
– Mấy giải vậy Linh?
– Hihi, 2 giải nhất, 3 giải 3 nhé.
Xem lại đống phong bì trong tay mình. 3 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba. Liếc qua 11/3, thấy bí thư lớp nó cũng cầm xấp phong bì dày trục. Tôi hồi hộp đợi phần công bố.
Hai giải khuyến khích không cần nói cũng biết thuộc về 10/2 và 12/5. Vì chỉ vỏn vẹn 3 phong bì. Hơn nữa, khối 10 và 12 có sự chuẩn bị không được tốt như bọn tôi. Mấy bạn mới vô trường hẳn sẽ chưa thân lắm, khó đưa lớp đến vinh quang được. Còn các anh chị khối trên còn phải lo cho cuộc thi lớn nhất đời học sinh nữa.
Giải tiếp theo cũng không khó đoán. Dù vô cùng hồi hộp và hy vọng, Linh vẫn bước lên nhận giải ba trong sự tính toán của tôi.
Đỉnh điểm đã đến. Cô Ngọc dùng một loạt sự dẫn dắt để đẩy gay cấn lên cao trào “Sau 2 ngày 1 đêm đầy nỗ lực và cố gắng, đứng trên bục lúc này là 2 tập thể xuất sắc nhất trong toàn thể hội trại. Và bây giờ, xin chúc mừng lớp 11/3…”
Nghe đến đó, thằng bí thư bên cạnh tôi nhảy cẫng hét lên sung sướng. Nhưng lòng tin trong tôi vẫn chưa hề tắt đi khi cô Ngọc vẫn chưa nói hết câu. Tôi tin rằng… cô vẫn chưa nói hết câu.
– Xin chúc mừng lớp 11/3 giành giải nhì toàn đoàn trong hội trại lần này. Và điều đó đồng nghĩa với lớp 11/4 là lớp xuất sắc giành được giải NHẤT TOÀN ĐOÀN!
3 chữ NHẤT TOÀN ĐOÀN được cô Ngọc hô to hết mức có thể. Không đợi tôi cầm lấy cờ đỏ và phong bì to bự, cả lớp tôi ùa lên sân khấu bế tôi nhất bổng, tung lên như tung một đứa trẻ, đứa trẻ lãnh đạo của tụi nó.
Cảm giác lúc đó, tôi thật không biết phải tả sao để toát lên hết được sự vỡ òa của cảm xúc, sự thăng hoa của giác quan, sự tung tẩy của tâm hồn. Đó là kết quả mà tôi cố công lên kế hoạch từ những ngày đầu tiên nhận được thông tin về hội trại. Là những cố gắng, nỗ lực gồng gánh lấp đầy hai vị trí trống của cô giáo chủ nhiệm và lớp trưởng. Đó là phần thưởng ngọt ngào mê tơi mà tôi đang đắm say, đang ngây ngất. – Đó là một đoạn điệp khúc, vì nó đã lặp đi, bây giờ tiếp tục lặp lại… Những giải thưởng, những sự tin tưởng, những sự khẳng định… Điệp khúc lên ngôi!
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùa hạ đầu tiên |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện sex dài tập |
Phân loại | Truyện teen |
Ngày cập nhật | 29/12/2023 11:39 (GMT+7) |