– Tại sao phụ nữ sinh em bé lại đau ? Anh nói chuyện đẻ con trong nhà bếp rốt cuộc có phải là để lừa gạt người ta không ?
Về phần phụ nữ sinh ra em bé thế nào là một vấn đề rất cao thâm, Hạ Tưởng là đàn ông tự nhiên là cũng không có nhiều hiểu biết. Nhưng đối với việc sinh con ở trong nhà bếp thì đúng là chuyện thật, chuyện này đã xảy ra trong nhà một người hàng xóm trước đây của hắn. Có lẽ theo sự tiến bộ của xã hội thì phụ nữ đã dần dần bị thoái hóa đi, hiện tại tỉ lệ sinh đẻ giảm xuống, nếu tình trạng này ở thời cổ đại thì có lẽ Trung Quốc đã diệt vong rồi.
Khoa học kỹ thuật càng ngày càng phát triển thế mà sức sinh sản của con người ngày lại càng yếu hơn, không biết đây có phải là một sự bi ai hay không ?
Ngày hôm sau, Hạ Tưởng còn chưa kịp chủ động tìm đến Tống Triêu Độ thì Tống Triêu Độ lại gọi điện thoại tới, bảo muốn đi câu cá.
Tiết trời xuân có chút lạnh lẽo, thời tiết lại hay mưa phùn làm cho không khí có chút ảm đạm. Hạ Tưởng lái xe đến đón Tống Triêu Độ, sau đó nhằm thẳng theo đường dọc theo núi ở hướng Tây Bắc, đi thẳng tới chỗ hồ nước lúc trước.
Cái hồ này không có tên, là do một nông dân cải tạo trên cánh đồng của mình trở thành một cái hồ, sau khi dẫn nước vào thì tiến hành nuôi cá, sau đó mới mở rộng trở thành kinh doanh câu cá. Mỗi người khi đến đây sau khi nộp một khoản tiền thì được quyền câu cá, được cung cấp một lượng thức ăn câu cá và một số cá nhất định câu được. Rất nhiều người rất thích đến đây câu cá vào thời điểm cuối tuần, cũng không phải là một sở thích gì cao sang, mà chỉ là muốn có một sự thư giãn và thả lỏng tinh thần mà thôi.
Bởi vì hôm nay thời tiết không tốt, người đến câu cá rất ít. Hạ Tưởng và Tống Triêu Độ liền tìm đến một khu yên lặng, ngồi dưới một tán cây to cùng câu cá.
Tâm tình Tống Triêu Độ dường như cũng không tốt lắm, dọc theo đường đi ông ta cũng không nói được mấy câu, mà lúc câu cá thì cũng rất chăm chú nhìn chằm chằm vào mặt nước, cả nửa ngày trời cũng không thấy mở miệng nói câu nào.
Hạ Tưởng do dự trong chốc lát, sau đó hỏi :
– Phó Chủ tịch tỉnh Tống, có chuyện gì không hài lòng chăng ?
Tống Triêu Độ cười cười :
– Cũng không phải không có chuyện gì không hài lòng, mà là có sự do dự.
Hạ Tưởng đoán được :
– Là sự tình về Phó Thủ tướng Hà, có đúng không ạ ?
Tống Triêu Độ gật gật đầu nói :
– Ý kiến của tỉnh không thống nhất, có nhiều người ủng hộ và cũng nhiều người phản đối việc điều chỉnh lại kết cấu sản xuất.
Hạ Tưởng liền hỏi :
– Xem ra ngài cũng là một trong những người phản đối ?
Bỗng nhiên, Tống Triêu Độ mỉm cười :
– Thật ra tôi được nghe nói cậu là người ủng hộ mạnh mẽ việc điều chỉnh lại kết cấu sản xuất, lại còn hay lui tới thân thiết với Trưởng ban Thư ký Tiền ?
Giọng nói của ông ta rất thản nhiên, nghe không ra âm điệu gì trong lời nói, không hiểu ông ta có suy tính gì.
Hạ Tưởng cũng không sợ Tống Triêu Độ trách cứ việc hắn và Tiền Cẩm Tùng hay lui tới với nhau. Trên thực tế, hắn và Tiền Cẩm Tùng cũng bởi vì cùng chung mục tiêu mà hay gần gũi, cũng không có thêm các ý tưởng khác. Hắn liền cười cười :
– Trưởng ban thư ký Tiền và Bí thư thành ủy Đan Thành là Đan Sỹ Kỳ có quan hệ rất tốt, mà Đan Sỹ Kỳ và bố vợ của tôi thì cũng có chút giao tình. Có những mối quan hệ này nên cũng có những cơ hội hay ngồi với nhau, vừa lúc ý kiến cũng không bất đồng nên thỉnh thoảng cũng hay giao lưu.
– Cậu nói xem cái nhìn của cậu về việc điều chỉnh kết cấu sản xuất của tỉnh Yến ?
Quả nhiên Tống Triêu Độ không hề để tâm tới việc Hạ Tưởng và Tiền Cẩm Tùng kết giao với nhau.
– Đối với toàn bộ nền kinh tế của cả tỉnh mà nói thì cũng không lạc quan cho lắm. Nhìn đến tình hình trong nước thì kinh tế tỉnh Yến tuy rằng cũng không phải thuộc tỉnh yếu, cũng còn rất nhiều tỉnh khác yếu hơn nhiều, nhưng quả thật bây giờ có rất nhiều điều gây trở ngại tới việc phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện tại, kết cấu sản xuất không hợp lý, doanh nghiệp nhà nước được vỗ béo nhiều nhưng không hiệu quả, từ đó, nếu không tiến hành thay đổi chế độ xã hội như hiện nay thì sẽ không thể tiếp bước đuổi kịp sự phát triển của cả nước.
Trong kiếp trước, Hạ Tưởng biết từ nay về sau là thời kỳ hoàng kim của các lĩnh vực trong nước là Bất động sản, ô tô, kỹ thuật khoa học cao, hệ thống mạng internet. Trong trí nhớ của Hạ Tưởng, trong cơ cấu nền kinh tế ở tỉnh Yến ngoại trừ việc bất động sản có chút đuổi kịp tình hình trong nước thì các lĩnh vực khác lạc hậu hơn rất nhiều. Về hệ thống mạng internet thì không nói, bởi vì quá gần với Bắc Kinh nên rất nhiều công ty chuyên về mảng này đã chạy tới Bắc Kinh để phát triển sản nghiệp. Còn về lĩnh vực ô tô thì cũng không có gì, ngoại trừ thành phố Bảo có một nhà máy ô tô sản xuất các loại xe giá thấp dành cho gia đình, đã từng có lần sản xuất xe việt dã và phá giá cả thị trường Bắc Kinh thì ngoài ra không còn có thêm điều gì nữa. Các lĩnh vực về khoa học cao thì không có gì để nói. Nói như vậy, tỉnh Yến giống như một bãi nước lặng, ngoại trừ thỉnh thoảng có những gợn sóng thì cũng không có điểm sáng nào so với các tỉnh khác.
Hạ Tưởng đã nghĩ đến việc tận dụng ưu thế của mình để ảnh hưởng đến người có thể có tiếng nói để hỗ trợ cho tỉnh Yến thêm phát triển. Có thể trợ giúp được tỉnh Yến sớm được ngày nào thì tỉnh Yến sẽ được cải thiện đi sự lạc hậu được phần đó. Ở trước mặt Tống Triêu Độ thì Hạ Tưởng cảm thấy dễ dàng hơn. Theo nhận biết của hắn thì phương hướng phát triển nền kinh tế từ nay về sau thì ngoài sự phát triển như thần thoại của lĩnh vực internet, ngành sản xuất ô tô sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Với sự điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế này hắn muốn hàm súc phác thảo một bức tranh về sự phát triển kinh tế với Tống Triêu Độ, hướng ông ta cùng tiến ra biển lớn.
Hiển nhiên Tống Triêu Độ không nghĩ đến việc Hạ Tưởng lại có ánh mắt vượt xa thời đại như thế, hai mắt ông ta nhìn vào mặt nước, trầm mặc nửa ngày không nói gì nhưng trong lòng có sự xúc động mãnh liệt. Quả thật ông ta không ủng hộ việc điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, cho rằng điều này sẽ tất yếu gây ra sự rung chuyển tới cục diện chính trị của tỉnh Yến, thậm chí còn có khả năng dẫn phát ra một loạt các phản ứng dây chuyền. Theo cách hiểu của ông ta thì ra quan điểm của Phó Thủ tướng Hà có phần rất cấp tiến, các chính sách quan trọng trong đất nước thông thường việc đầu tiên là mong cầu sự ổn định, đây mới là thượng sách. Tỉnh Yến là một tỉnh bảo thủ, trong mắt của nhưng nhân vật ở Bắc Kinh thì cũng không có nhiều phân lượng, nếu phát triển ở tầm giữa thì cũng đã là sự nỗ lực hết sức rồi.
Quan điểm của Tống Triêu Độ là chính trị để phục vụ kinh tế, trong các vấn đề kinh tế thì chính trị luôn đi trước, chỉ có thể giải quyết được các vấn đề về chính trị thì mới có đủ khả năng khai triển các chính sách kinh tế.
Nhưng lời nói của Hạ Tưởng rõ ràng tương phản với suy nghĩ của ông ta, trong mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế thì kinh tế đi trước. Thực tế thì về sau tác dụng của kinh tế sẽ càng ngày càng rõ ràng, chẳng những có thể ảnh hưởng đến tiến trình của chính trị, thậm chí còn có khả năng trở thành lực lượng mang tính thành bại trong chính trị. Việc này cũng giống như làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, hoặc là cố gắng để đưa hiệu quả và lợi ích của doanh nghiệp đi lên, hoặc là duy trì hiện trạng, chỉ để ý tới việc quan hệ tốt với cấp trên hay không, từ đó kiếm thêm đủ lí lịch kinh nghiệp để thăng quan tiến chức.
Có lẽ theo như lời của Hạ Tưởng, về sau này có lẽ tất cả mọi việc đều lấy kinh tế làm tiêu chuẩn cho sự thăng chức, nếu vậy chẳng phải cố gắng để toàn dân trở thành thương nhân ? Ngay cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh cũng phải khuất phục trước yêu cầu phải phục vụ cho việc đầu tư, tư tưởng quan chức là quan trọng nhất không phải đã bị tấn công một cách nghiêm trọng sao ?
Tống Triêu Độ có thể lý giải, nhưng trong lúc nhất thời không thể thừa nhận.
– Sau khi tới phòng Tin tức thì tri thức lý luận của cậu tiến bộ lên không ít, đúng là kẻ sĩ thì không thể trong ba ngày không học hỏi được, làm người khác nhìn cậu với cặp mắt khác hẳn xưa. Vừa rồi cậu nói đến việc “nhìn chung tình hình trong nước” thì đúng là đã có độ cao rồi đó. Ha ha.
Tống Triêu Độ cười ha hả nói :
– Bí thư Diệp và Chủ tịch tỉnh Phạm thì tôi không rõ thái độ, nhưng so sánh chung thì Bí thư Diệp có xu hướng bảo thủ, mà dường như Chủ tịch tỉnh Phạm lại có xu hướng tiến thêm một bước trong quyết tâm cải cách này. Tiểu Hạ, theo cậu thì vào lúc Phó Thủ tướng Hà thị sát thì cục diện sẽ như thế nào ?
Hạ Tưởng cười khiêm tốn.
– Ngài gần như đã nói ra đáp án, tôi cũng chẳng dám nói thêm gì nữa, cũng không có suy nghĩ quá nhiều về chính trị. Căn cứ theo tình trạng trước mắt của tỉnh thì Bí thư Diệp tuy rằng bảo thủ nhưng cũng sẽ không phản đối rõ ràng ý tưởng của Phó Thủ tướng Hà. Mà nếu Chủ tịch tỉnh Phạm ủng hộ, thì cuối cùng sẽ là một kết quả thỏa hiệp. Tỉnh Yến sẽ thi hành việc điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế, nhưng không phải trong phạm vi toàn tỉnh mà là trước mắt sẽ thí điểm trong các thành thị.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Quan Trường – Quyển 4 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Ngày cập nhật | 13/09/2017 12:36 (GMT+7) |