Bên trong hai lớp sáp và ngọc lại có một lớp li e nữa, có lẽ những thứ này đều dùng để chống nước, chống mục. Rốt cuộc bên trong là thứ gì mà phải bảo quản kỹ lưỡng thế này?
Mọi vật trong hang hồ lô đều có trăm ngàn mối dây liên hệ với Hiến vương và vị chủ tế của ông ta. Hiến vương không đích thân chủ trì các cuộc tế lễ quan trọng vì đã có vị chủ tế. Điều này cho thấy họ là một thể chế thống trị có sự rạch ròi giữa chính quyền và tôn giáo, chứ không phải là chính – giáo hợp nhất như vẫn thấy ở các vùng biên cương của Trung Quốc cổ đại.
Li e vốn mềm và chắc, mà lần này Tuyền béo đã rút kinh nghiệm, sợ lại làm vỡ báu vật đáng tiền nên không dám ra tay thô bạo nữa, đành dùng lưỡi xẻng công binh cẩn thận gọt.
Tôi đứng bên nhìn các mảnh ngọc vỡ dưới đất, thấy hơi kỳ lạ, bèn tiện tay nhặt vài mảnh lên xem. Thấy bề mặt mảnh ngọc khắc vân mây chi chít, trong đầu chợt nảy ra ý nghĩ: “Chẳng lẽ đây là đồ luyện trùng thuật khắc các lời nguyền? Bên dưới tầng sáp, vỏ ngọc và lớp li e nhốt các vong hồn vì oán hận mà chết?”
Tôi bảo Tuyền béo tạm dừng lại, đoạn cùng Shirley Dương ngồi xuống xem xét các mảnh ngọc chưa bị vỡ vụn, dùng dao lính dù cạo bỏ lớp sáp phủ ngoài. Trên bề mặt mảnh ngọc lấp lánh hiện ra một số hình vẽ, có rồng hổ bách thú, có núi thần cây thần, có vết tích rõ rệt của tô tem cách điệu, nhất là các đỉnh núi vách núi hiểm trở dựng đứng trông rất thâm nghiêm, mây mù bao phủ, hình như là diễn tả cảnh tượng núi Già Long trong các câu chuyện thần thoại cổ xưa.
Nhưng những hình vẽ tô tem này khác rất xa so với những điều chúng tôi từng biết hoặc nghe nói đến, mang đậm màu sắc của dân tộc thiểu số thời viễn cổ. Trong đó có một số cảnh đi săn ở dưới núi thần, vũ khí những người trong tranh sử dụng hình dáng hết sức đặc biệt, mà nhìn tạo hình không ngờ đều là đồ đá cả.
Quả trứng ngọc này cũng không phải sẵn có trong thiên nhiên, thậm chí cả nguyên liệu cũng không phải là khối ngọc nguyên vẹn, còn có vết ghép rất rõ rệt và đều là ngọc già tuổi. Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :”Vật này không phải tầm thường, có lẽ là cổ vật thời đồ đá mới cách đây bốn năm nghìn năm, chưa chắc đã là của Hiến vương. Có lẽ nó là thần khí do dân bản địa ở núi Già Long cung phụng cho sơn thần, chúng ta chớ nên đụng bừa đụng bãi”.
Tuyền béo nói: “Tư lệnh Nhất đừng có vờ vịt qua mặt tôi, đây cũng là chuyên gia bao năm lăn lộn trong giới đồ cổ, được ghi danh ở Phan Gia viên rồi đấy, người ta cũng là nhân vật hàng đầu lẫy lừng ấy chứ. Theo tôi được biết ấy, bốn năm nghìn năm trước, vào thời kỳ đồ đá, loài người còn chưa biết dùng công cụ nào cứng hơn đá ngọc thì sao lại biết gia công chế tác làm ra những hình chạm khắc phức tạp trên ngọc được? Theo tôi, đây đúng là đồ của thằng cha Hiến vương. Chúng ta cứ theo lệ đã nói từ trước, hễ là minh khí của con quỷ già đó thì bưng tất. Ông đừng vẽ chuyện rắc rối đi, khỏi phải tung ra những danh từ kiểu thời kỳ đồ đá gì gì ấy để dọa tôi!”.
Tôi nói với Tuyền béo: “Này tư lệnh Tuyền, thôi chúng ta đừng tranh luận nữa, nên để tham mưu trưởng Shirley nói xem sao, cái cô này lúc nào mà chẳng biết mặt hàng hơn hai chúng ta”.
Tuyền béo gật đầu: “Thế thì để cố vấn Mỹ giám định vậy, nhưng cô ta chỉ biết mặt hàng hơn cậu thôi, so với trình độ của tôi cũng chỉ là một chín một mười …”
Shirley Dương nói: “Chất ngọc này không phải loại thường gặp, tôi cũng không nhận ra được nó thuộc niên đại nào. Nhưng vào thời kỳ đồ đá mới thì đúng là loài người đã nắm được kỹ thuật chế tác đồ ngọc, ở vùng văn hóa Hồng Sơn, trong di chỉ văn hóa cổ Lương Chử ở lưu vực Trường Giang cũng đào được nhiều đồ ngọc rất tinh xảo. Tuy nhiên, vào thời đại còn tương đối nguyên thủy man muội ấy, con người đã làm cách nào có thể chế tác được các đồ ngọc chỉ với những công cụ thô sơ thì giới khảo cổ vẫn chưa thể kết luận được. Đó vẫn là một câu hỏi lớn”.
Vừa nghe nói ” vẫn chưa thể kết luận”, Tuyền béo lập tức không cần giải thích giải thiếc gì hết, cầm xẻng tiếp tục xọc vào lớp li e dày chắc.
Tôi không làm gì được, đành mặc kệ cậu làm vậy. Thực ra tôi cũng rất muốn xem xem trong đó là vật gì, chỉ lo một điều bên trong lại có thứ thần khí nào đó mà dân man di cung phụng ngày trước, lấy ra e sẽ dẫn đến những chuyện khó lường. Suốt chuyến đi chúng tôi đã gặp phải quá nhiều phiền hà, tuy chưa chết nhưng cũng đã ăn đòn nhừ tử, tiêu hao già nửa trang thiết bị và thể lực, nếu lại bị hành xác như thế, dù vào được mộ Hiến vương chỉ e không dễ gì mà ra nổi.
Khi làm những việc kiểu này động tác của Tuyền béo hết sức nhanh gọn, chỉ sau thời gian hút được nửa điếu thuốc lá, cậu ta đã bóc xong lớp li e, thấy bên trong là một cái vò bằng gốm màu xanh xỉn.
Tôi và Tuyền béo cùng nhấc cái vò ấy ra khỏi lớp li e, rồi thận trọng đặt xuống đất. Cái vò màu xanh, cao chừng 40cm, chỗ phình to nhất có đường kính khoảng 10 cm. Miệng dựng, thân cao, bụng phình, cổ thắt, ba chân tròn thấp choãi ra ngoài, miệng vò hoàn toàn bịt kín, ở phần vai gần miệng có năm mẩu ống ngắn trông rất lạ, giống như cái vòi của ấm rót rượu nhưng miệng bị bịt kín đặc, phần cuống gắn liền với các đường hoa văn hình quả trám, trông rất nổi.
Cái vò có hình dáng giản dị đơn sơ, màu sắc ấm dịu ưa nhìn, chúng tôi không biết nó là vật gì, ngay Shirley Dương cũng không đoán ra. Tuy nhiên khắp xung quanh vò không có ký hiệu gì về trùng thuật, nên chúng tôi đoán rằng có lẽ bên trong không có vật gì độc hại.
Tôi nghĩ đã nhấc nó ra rồi thì đánh liều mở ra xem sao, bèn dùng con dao lính dù nạy bỏ lớp sáp đen gắn ở miệng vò. Lúc này Tuyền béo lại tỏ ra cẩn thận, sợ tôi bất cẩn làm vỡ cái vò, luôn miệng nhắc nhẹ tay, biết đâu bên trong lại có thứ gì tinh xảo hơn, nếu vò vỡ thì chẳng đáng tiền nữa.
Thế rồi tôi cũng đã mở được cái nắp ra. Ba chúng tôi đều rất tò mò, nên cùng xúm lại nhìn vào cái miệng vò bé nhỏ, chỉ thấy bên trong chứa đầy nước trong.
Thấy trong vò toàn là nước trong vắt khác thường, một câu hỏi bỗng hiện lên trong đầu tôi. Cái vò chỉ chứa nước, có cần phải cất giữ bí mật như thế này không?
Shirley Dương e đèn gắn trên mũ không đủ để nhìn cho rõ, bèn bấm đèn pin mắt sói rọi vào nhìn kỹ rồi nói: “Dưới đáy có một vật, là gì thế nhỉ? Ối … là thai nhi hả?”
Tôi và Tuyền béo cũng đã nhìn rõ, dưới đáy nước trong vắt, là một thai nhi nho nhỏ màu xanh biếc. Vì góc nhìn hạn chế, tôi chỉ nhận ra thai nhi ấy to bằng nắm tay, đang nằm co ở đáy vò, đầu ngửa lên cứ như là đang nhìn chúng tôi, nhưng nó còn chưa mở mắt. Trán nó rộng một cách khác thường.
Tại sao trong này lại có thai nhi? Mà nó lại quá bé, tư thế và ngoại hình của nó cũng rất khác với thai nhi của loài người. Tôi lấy làm kinh sợ, rồi lại chăm chú nhìn, bỗng thấy hình như nó mở to mắt ra, chỉ trong khoảnh khắc, dưới ánh nước sóng sánh, như là có hai cái hốc đen mỗi lúc một to ra, muốn nuốt chửng người ta.
Tôi rùng mình, vội lùi lại một bước, suýt nữa thì ngồi phệt xuống đất. Tôi chỉ vào cái vò rồi hỏi một câu chẳng đâu vào đâu: “Cái quỷ gì trong đó thế?”. Rồi tôi móc ra cái móng lừa đen một cách vô thức.
Shirley Dương hỏi tôi: “Sao anh làm cái trò gì thế? Đang yên lành thế này, ma quỷ đâu ra? Cái thai nhi đó làm bằng ngọc”.
Tôi chỉ lên trời: “Tôi thề với Mao chủ tịch rằng con ma con đó vừa rồi trợn mắt … nhe răng với tôi”. Tôi nhận ra hành động bẽ bàng của mình, bèn bổ sung mấy lời để mọi người thông cảm.
Tuyền béo nói với tôi: “Hay là cậu hoa mắt? Sao chúng ta cùng nhìn mà tôi chẳng thấy gì bất ổn cả?”
Shirley Dương nói: “Có thể do ánh sáng trong nước bị khúc xạ, góc nhìn của anh vừa khéo gặp phải nên mới bị lóa. Nếu chưa tin, anh cứ đổ hết nước trong vò ra, cái thai nhi ấy có phải bằng ngọc không, nhìn là biết ngay”.
Shirley Dương nói nước trong vò trong quá, có thể là một chất lỏng đặc biệt nào đó, đừng đổ ra đất mà nên trút sang một cái bình rỗng, xem xét rõ cái thai nhi màu xanh đã rồi đổ trở lại. Chúng ta chỉ cốt thu thập tin tức về mộ Hiến vương, không nên làm hỏng những cổ vật thần kỳ như thế này.
Tuyền béo cũng bị cái thai nhi ngọc xanh biếc này làm cho hơi hoang mang, liền tạm bỏ qua ý định đem nó về Bắc Kinh, mà phải xem rõ đã rồi tính sau, nếu nó là ngọc thật thì sẽ đem về, nếu nó là vật sống mà đem theo người e rất bất tiện. Thế là thực hiện luôn, trút nước sang một cái bình rỗng, nhưng cái thai nhi lại to hơn cổ vò, không đập vỡ vò không thể lấy nó ra, tuy thế chúng tôi đã nhìn nó rõ hơn rất nhiều.
Nó đúng là một cái thai nhi bằng ngọc, ít ra là nửa người trên rất giống, có thể đếm rõ các ngón tay bé xíu, thậm chí nhìn rõ các mạch máu ở trên trán, chỉ có nửa thân dưới là chưa thành hình.
Không thấy một dấu vết nào là của bàn tay con người chế tác, nó hẳn là thứ sinh ra trong tự nhiên, những tạo vật kỳ lạ trong thế giới tự nhiên quả thật khó mà tưởng tượng ra hết được. Nếu nó không chỉ bé bằng nắm tay chắc ai cũng tưởng nó đúng là một thai nhi đang sống bị người ta dùng tà thuật biến nó thành ngọc.
Lẽ nào đây cũng là một thần khí mà người dân man di ở núi Già Long thời viễn cổ dùng để cung phụng sơn thần?
Tôi nói với Tuyền béo và Shirley Dương :”Ở miền hoang vu nơi biên cương ngày xưa, dân chúng thường sùng bái tín ngưỡng phồn thực, điều này có liên quan đến môi trường sống khắc nghiệt thời cổ. Thời ấy con người quá nhỏ bé khi đứng trước thiên nhiên, dân số thì ít, thiên tai địch họa luôn rình rập, rất dễ dẫn đến hủy diệt cả bộ tộc, cách chống đỡ duy nhất là sinh đẻ thật nhiều. Cho nên tôi nghĩ cái thai ngọc này có thể được dùng để cầu khấn cho phụ nữ đẻ nhiều con, là một loại tô tem hình thai nhi tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở”.
Tuyền béo cười: “Thời cổ vẫn hay hơn, đâu có như bây giờ, đi đâu cũng toàn những người là người, sinh đẻ có kế hoạch là đúng. Chúng ta phải phản đối sinh nhiều con, nên trồng nhiều cây mới tốt. Cho nên cái thứ không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại này ấy mà, để ở đây cũng vô ích, thôi tôi tịch thu, đem về đổi lấy tí tiền mua ít rượu với thuốc lá”.
Tôi gật đầu: “Cậu nói cũng có lý, chúng ta nên ủng hộ sinh đẻ có kế hoạch, nhưng hiện giờ tốt nhất là đừng tùy tiện đụng vào những thứ này, vì ta vẫn chưa biết nó mô tê thế nào. Chuyến đi này chủ đích là đến mộ Hiến vương kiếm Mộc trần châu liên quan đến tính mạng của cả nhà chúng ta đấy, đó mới là việc lớn hàng đầu, cậu nên tự biết cân nhắc thì hơn …”
Tôi còn chưa nói hết câu, Tuyền béo đã lờ đi, cầm luôn cái vò định đập vỡ để lấy thai ngọc. Shirley Dương vội ngăn lại nói: “Vật này được vị chủ tế của Hiến vương cất trong bụng con sâu khổng lồ, chứng tỏ nó là vật khác thường, ta chưa biết rõ mục đích của nó thì đừng nên làm bừa, xem nốt mấy thứ kia đã rồi tính sau”.
Tôi thấy ánh mắt Tuyền béo sáng quắc, coi như không nghe thấy chúng tôi nói gì, một mực giằng lấy cái vò, mồm cứ làu bàu oán thán rằng chuyến đi Vân Nam lần này ăn gió nằm sương, bao phen lộn đầu cắm mông, biết bao nguy hiểm, nào là lăn trên kiếm sắc, tắm trong vạc dầu, đâu dễ gì vớ được một ít đồ xịn thế này, lẽ nào lại không lấy?
Tôi nói với cậu ta: “Trong huyền cung của Hiến vương, báu vật nhất định sẽ chất cao như núi, hám cái thai ngọc trong vò này làm gì? Huống chi cái thai ngọc này ẩn chứa tà khí, rất không bình thường, nếu đem về sẽ gặp rắc rối cũng nên. Ta nên có tầm mắt nhìn xa hơn một chút, đừng chỉ nhìn xoáy vào cái lợi cỏn con trước mắt. Lẽ nào cậu chưa nghe Mao chủ tịch dạy chúng ta câu ‘Than vãn lắm đề phòng đứt ruột, cảnh trải dài tầm mắt vươn xa’ à?”
Tuyền béo vẫn làu bàu: “Tôi còn biết ngài ấy còn nói ‘ Côn Minh tuy nước hơi nông, nhưng mà cá đẹp hơn dòng Phú Xuân’. Thế mà sông nước Vân Nam chẳng nông tí mẹ nào …”
Kêu ca là một nhẽ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục xem xét hai thứ đồ bí hiểm còn lại trong cái hòm đồng to tướng này, chẳng may bỏ qua không khéo để lại hậu họa, khi tiến vào mộ Hiến vương sẽ càng thêm rắc rối.
Ba chúng tôi xem xét hai khoang còn lại của chiếc hòm vuông, một khoang có cái túi da to. Túi này bằng da báo Vân Nam, bên trên có đính những sợi vàng bạc, đều là hình tựa như những câu bùa chú bí mật, túi khá căng, hình như chứa không ít đồ, nhấc lên thấy không nặng tay mấy.
Những thần chú kỳ lạ này ít nhất cũng có thể cho ta thấy, dù cái thai ngọc có đúng là của dân man di để lại đi nữa, thì các thứ trong túi cũng phải có liên quan đến Hiến vương. Bùa trốc hồn của trùng thuật hết sức độc đáo, nó tựa như một đàn nòng nọc đang bò bên nhau rất có quy luật, tạo nên một ấn tượng khó quên.
Sự hiểm ác tàn độc của trùng thuật dẫu đề phòng cũng không lại được, nhưng đã biết là thứ có liên quan đến Hiến vương thì phải trấn tĩnh lại, mở túi ra xem xem đây rốt cuộc là thứ gì.
Chúng tôi bèn kiểm tra lại vũ khí cùng các thiết bị phòng độc, dặn dò nhau vài điều, thấy miệng túi dùng gân thú để thắt, rất khó cởi, đành dùng dao để cắt. Chúng tôi cùng bắt tay vào, nhanh chóng cắt đứt dây gân thú.
Mở túi da báo ra, thấy bên trong đựng đầy xương người rời rạc. Chúng tôi đã chuẩn bị trước tâm lý, trong bùa trốc hồn phải có xương người, cho nên không hề sửng sốt, bèn lùi lại bình thản quan sát động tĩnh.
Sau một hồi không thấy có gì lạ, chúng tôi mới bước đến gần để xem. Tôi dốc đám xương xuống đất, lúc này đã thấy rõ cả thảy có ba bộ hài cốt. Cả ba đều không quần áo, chẳng rõ vì đã bị mủn nát hay là vốn dĩ không có quần áo chôn theo. Hình dạng xương cốt rất lạ, xương sọ to, xương cánh tay dài, xương đùi ngắn và nhỏ, kích cỡ bộ xương như của đứa trẻ 5-6 tuổi, nhưng mật độ của chất xương lại giống như xương người già. Rõ rệt nhất là hàm răng, răng đều mọc dài, đã bị mòn nghiêm trọng, không thể là của trẻ con.
Kinh nghiệm ngày trước cho thấy, những người bị dính bùa trốc hồn đều là những nô lệ đã trưởng thành, chưa thấy có trẻ con, nhưng chất xương và kích cỡ xương đều không tương ứng đâm ra rất khó xét đoán.
Tôi và Tuyền béo lấy hết can đảm lật bới đống xương, xem xem có đặc điểm gì khác lạ không, nào ngờ sau một hồi xem xét lại tìm thấy một số đồ trang sức như răng thú xỏ vòng vàng, vài ba mảnh ngọc bích vỡ, bắt mắt nhất là một con cóc đá màu đen.
Shirley Dương sau khi nhìn thấy nói luôn: “Đây là đồ trang sức dân man di đeo cho tượng sơn thần. Đống xương này cũng không phải xương người, mà nhất định là con sơn tiêu trong truyền thuyết, thường được coi là sơn tinh. Trong các thư tịch cổ có khá nhiều đoạn miêu tả rất kỹ lưỡng về con vật này, thấp và còm, tay dài như tay vượn, mặt đen lông trắng, hiểu tiếng người, có thể hô phong hoán vũ ở chốn núi rừng. Nhưng người hiện đại chưa từng trông thấy chúng, chỉ cho rằng chúng là sinh vật hư cấu. Cũng có người bảo nó là nguyên mẫu của quỷ mặt đen – khỉ mặt chó, cho nên khỉ mặt chó ở châu Phi ngày nay còn có tên khác là sơn tiêu. Con sơn tiêu trong truyền thuyết Trung Quốc cổ đại không giống khỉ mặt chó ngày nay cho lắm, cho nên đống xương này rất có thể là xương sơn tiêu thời cổ, chúng mới thật sự là sơn thần”.
Vậy thì ba con sơn tiêu này đều bị Hiến vương giết, chúng được dân man di coi là thần linh canh giữ núi, còn cái thai ngọc có thể là thần vật rất được dân chúng coi trọng. Hiến vương xâm chiếm nơi đây, ra tay tàn bạo, chà đạp xương cốt của sơn thần rồi đem chôn vào bụng con sâu khổng lồ cùng với thần khí của dân chúng, biến những vật này thành một “khối u dạ dày” nhằm ngăn cản con sâu bất tử tiêu hóa xác chết và trứng trùng, lão ta đã dùng thủ đoạn rất bệnh hoạn này để phá hoại tín ngưỡng của dân địa phương nhằm đạt được mục đích củng cố địa vị thống trị của mình. Liệu có đúng là như thế không, có lẽ còn phải chờ đến khi vào được mộ Hiến vương ở thủy long huân, tìm hiểu mọi hành vi của lão ta lúc sinh thời, mới có thể có được đáp án chính xác.
Chúng tôi nhìn sang con sâu khổng lồ “bất tử” đang nằm rũ ở kia trong bộ áo giáp vảy rồng quái dị. Thì ra nó không phải là sơn thần, sơn thần chính cống lại nằm trong bụng nó.
Khoang giữa cái hòm đồng có kích cỡ rộng hơn hẳn hai khoang bên cạnh, đoán chừng ở đây phải đặt những thứ quan trọng nhất. Tôi vừa cùng Tuyền béo nhấc thứ để trong khoang giữa này ra, vừa nghĩ ngợi lan man: “Mười phần chắc tám là thi thể của thủ lĩnh dân man di, hoặc là thần khí quan trọng nào đấy mà Hiến vương đoạt được của họ”.
Ở giữa là một cái hộp nhỏ bằng đồng, trông na ná như chiếc hòm vuông bằng đồng chứa nó. Chúng tôi thử nhẹ nhàng nhấc lên nhưng không được. Mặt trên chiếc hộp đúc một cái mặt quỷ trông cực kỳ hung ác, lưng quỷ mọc đôi cánh, trông như quỷ dạ xoa đi tuần trên trời, tỉ mỉ hơn nữa còn có những đường trang trí kỳ dị, khiến chỉ cần nhìn một cái đã có cảm giác bên trong hẳn không phải vật tầm thường. Lẽ nào trong này đang nhốt ác quỷ?
Nhìn kỹ hơn chúng tôi thấy cái ngăn này có một chỗ trống nối liền với cái lỗ khóa hình đầu hổ ở một bên của hòm đồng, bên trong rỗng không, trên nắp ngăn cũng không có khóa, chỉ còn cách cứ thế này mà mở nắp ra vậy.
Để đề phòng có cơ quan cạm bẫy, chúng tôi vẫn đi vòng ra phía sau, dùng cuốc chim móc cái nắp có hình mặt quỷ lên. Nắp vừa lật lên, bên trong tỏa ra một làn sáng xanh lạnh lẽo, một con cóc ba chân màu xanh ngồi trong hộp. Tuyền béo “ồ” lên một tiếng rồi cầm cuốc chim gõ nhẹ vào con cóc, tiếng cạch cạch phát ra, con cóc có vẻ như làm bằng đá. Thì ra cái hộp đồng có hình đầu quỷ bay trên trời này chính là “cung thiềm” ( cung trăng ) bằng đồng xanh để cung phụng con cóc.
Chẳng rõ con cóc kỳ quái ba chân màu xanh lam này được làm bằng chất liệu gì, nó to bằng đầu người, thân béo mập, đầu ngẩng lên trông đầy vẻ tự đắc, cả hình dáng lẫn chất liệu đều hiếm thấy. Chưa bàn về chất liệu, chỉ xét riêng về mặt hình tượng nó đã là một kiệt tác hiếm có, một thứ thần vật vậy.
Tôi và Tuyền béo ngắm nó mà cứ nuốt nước bọt, tương truyền Hằng Nga uống thuốc trường sinh bất tử, bay lên mặt trăng rồi hóa thành cóc, vì thế con cóc cũng đại diện cho mặt trăng, tượng trưng cho tầm cao vời vợi, vậy nên mới có câu ‘bẻ quế cung thiềm” để hình dung sự thành đạt vươn xa của con người. Tôi và Tuyền béo không nén nổi nỗi vui mừng tột độ, rất muốn bưng con cóc kỳ dị này ra khỏi cung thiềm. Chắc chắn con cóc ba chân xanh xanh này là báu vật đáng tiền nhất ở núi Già Long rồi, một thần vật như thế này, chưa nói đến việc đóng bao đem về, chỉ riêng chuyện được nhìn thấy nó một lần đã là phúc tổ ba đời.
Shirley Dương thì bình tĩnh hơn nhiều, cô nàng nói: “Cẩn thận đấy! Thực vật và côn trùng trong hang càng lúc càng lớn dần, lại còn ít nhất là hai chiếc máy bay đã bị rơi trong rừng, căn nguyên rất có thể chính là ở đây, nó đang bảo vệ bầu trời của mộ vua …”
Shirley Dương vừa dứt lời bỗng dưới chân vang lên những tiếng xương nứt vỡ rắc rắc, chúng tôi vội cúi nhìn, thấy ba bộ xương sơn thần nằm đó đều đang thu nhỏ lại và biến thành màu đen. Bởi vì hàm lượng oxy trong hang hồ lô cao hơn hẳn trong túi da, nên đám xương này biến chất rất nhanh, phát ra những tiếng nứt vỡ chói tai kỳ lạ.
Tôi lùi lại phía sau mấy bước, nói với Tuyền béo và Shirley Dương: “Các thứ bát nháo ở đây đều cực kỳ quái dị, chúng là thần vật hay tà vật cũng mặc, cứ dứt khoát cho nổ tan tành luôn để phòng hậu họa”. Nói rồi, tôi lục ba lô của Tuyền béo để lấy thuốc nổ, nhưng ba lô của cậu ta đã chật ních các mảnh vàng lá vụn, phải lục mãi mới thấy thuốc nổ.
Tuyền béo quay lại định bước đến giúp tôi lắp ngòi nổ, xừa xoay người lại đã nhảy bật lên cứ như vừa giẫm phải thứ gì khủng khiếp lắm, cuống quýt giơ tay chỉ vào chân Shirley Dương. Tôi nhìn theo hướng tay Tuyền béo chỉ, cũng suýt nữa nhảy dựng lên, tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên xộc thẳng vào tai.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | [Truyện Tết] Ma thổi đèn - Quyển 3 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Ngày cập nhật | 26/01/2017 04:50 (GMT+7) |