Shirley Dương trầm trồ: “Những cây hoa kia có lẽ là lan hồ điệp, không ngờ lại thu hút được rất nhiều bướm phượng vĩ hoàng kim… cả bướm kim đới phượng… còn có cả bướm kim tuyến đại thái rất hiếm gặp nữa, trông như những đám lá của cây vàng bị gió thổi đung đưa trong vườn hoa bên bờ biển Aegean của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp ấy.”
Tôi không hiểu gì về loài bướm, giương ống nhòm nhìn hồi lâu, ngoài bươm bướm và cây cối hoa lá ra, chẳng thấy dấu hiệu của sơn cốc, khê cốc gì hết. Thảm thực vật ở đây quá dày, che kín mít mọi địa hình địa mạo, không thể nhận ra đâu là thung lũng đâu là khe suối, nhìn từ trên xuống, thấy cao thấp nhấp nhô, tất cả đều là những thực vật rậm rịt đặc trưng của vùng cận Bắc chí tuyến, rất khác với rừng rậm nguyên thủy ở Đại Hưng An Lĩnh mà chúng tôi quen thuộc.
Vẫn có câu “cây trội giữa rừng, ắt bị gió quật”. Tán cây ở Đại Hưng An Lĩnh thường cao xấp xỉ nhau, các loài cây có thể hợp sức để chống chọi gió lớn. Còn đây là vùng đất có nhiều sông núi vây quanh, bồn địa thung lũng nằm giữa có địa thế trũng thấp, mặt khác, Vân Nam bốn mùa như nhau, không có khí hậu gió mùa, những nơi càng thấp thì càng ẩm ướt triền miên, nhiệt độ cả năm đều giữ ở khoảng 25-30 độ C, quanh năm chẳng có một cơn gió, cho nên các loài thực vật cứ thả sức mà sinh trưởng. Trong rừng rậm, các loài cây leo thân to, thân gỗ và thân thảo tùy đặc tính của mình mà mọc cao thấp khác nhau, lô nhô xen kẽ, cao nhất là cây chò chỉ nổi tiếng của Vân Nam, cây này vốn chỉ có ở phía Nam chí tuyến Bắc, nhưng địa thế của vùng núi này thấp trũng nên cũng mọc không ít cây chò chỉ đội trời đạp đất.
Chỉ có một số ít hồ đầm tương đối lớn mới không bị cây cối che phủ, những vùng càng sâu xa heo hút lại càng nhiều mây mù bao phủ, đứng xa nhìn không thể nhận ra điều gì.
Tóm lại là không thể chỉ vì nhìn thấy những đàn bướm vàng cỡ đại kia mà chủ quan tiến vào rừng rậm, mức độ phức tạp của rừng rậm nơi đây khó có thể dùng lẽ thường mà suy đoán được.
Bản đồ bằng da người được vẽ từ thời Hán, truyền đến ngày nay đã cách hai ngàn năm, những đặc trưng về địa hình địa mạo mà nó ghi chép nay đã biến đổi khác hẳn, ngoại trừ một số vật mốc và địa điểm đặc biệt ra, thì không thể dùng bản đồ này để tham chiếu chính xác được.
Theo như lão mù nói thì cách đây vài chục năm, đoàn lực sĩ Xả Lĩnh của lão đã mang theo thuốc nổ thô sơ tiến vào Trùng cốc – chính là khu vực phía trước khê cốc hình thành bởi sông Rắn – khi ấy đã trông thấy một đàn bướm rất lớn.
Nhưng ai dám đảm bảo rằng ngoài Trùng cốc ra các nơi khác đều không có bươm bướm, cho nên tạm thời chưa thể xác định nơi ấy chính là lối vào Trùng cốc, nhất thiết phải tìm ra đặc điểm mà lão mù nói: trong sơn cốc có một đoạn tường đổ nát. Đó là di tích của một bước tường cổ xây trên sông Rắn, hình như là một cái đập dùng để ngăn nước sông trong khi xây mộ Hiến vương, sau khi Hiến vương nhập liệm, liền bị đập đi, khôi phục lại “thủy long huân” trước mộ ông ta.
Chỉ khi tìm thấy đoạn tường đổ ấy thì mới có thể coi đó là căn cứ để xác định vị trí của Trùng cốc, biện pháp chắc ăn hơn cả là làm như đoàn lực sĩ Xả Lĩnh năm xưa, ra khỏi núi Già Long, đừng vội tiến vào rừng, mà đi dọc theo mạch núi tiến lên phía Bắc để tìm sông Rắn, sau đó đi dọc theo sông Rắn tiến vào sơn cốc, như vậy có thể bảo đảm không đi chệch đường.
Tuyền béo nói vẫn còn một cách khác, đó là lại lần vào nhánh sông đào bên trong núi Già Long, đi dọc theo đường sông cổ ấy để tìm sông Rắn. Nhưng vì thượng du sông Lan Thương mưa nhiều, các nhánh sông lớn nhỏ nối liền với nhau, thành ra vô cùng phức tạp, thậm chí còn có khả năng đã thay dòng chảy xuống lòng đất, con sông cổ sớm đã bị xác thực vật và bùn đất lấp kín, cho nên phương pháp mà Tuyền béo nói không khả thi chút nào.
Ba chúng tôi bàn bạc một hồi, xem đồng hồ, lúc này là ba giờ rưỡi chiều. Khoảng 9 giờ sáng nay chúng tôi bắt đầu đi bè tiến vào núi Già Long, cho đến giờ vẫn chưa hề nghỉ ngơi, vì vậy bèn quyết định coi chỗ này là điểm chuyển tiếp, nghỉ ngơi hai mươi phút, sau đó sẽ đi lên hướng Bắc, tranh thủ tìm được lối vào Trùng cốc trước khi mặt trời lặn, rồi cắm trại ở đó, sớm mai sẽ tiến vào.
Chúng tôi tìm một chỗ tạm bằng phẳng ở dốc núi ngồi xuống, ăn một ít bánh tẻ và thịt bò cho đỡ đói. Tuyền béo nhắc đến lũ cá ăn thịt người, nghĩ đến cái hồ trong núi máu me đỏ lòm chẳng khác gì “huyết trì” ở địa ngục trong truyền thuyết… tôi phát ớn chẳng thiết ăn gì nữa. Tôi bỗng thấy chột dạ, nghĩ rằng lỡ mà đàn cá răng sắc hơn răng cưa ấy lại xuôi theo dòng rồi bơi vào sông Rắn thì sẽ phải làm sao đây? Nếu dưới nước có lũ cá ấy thì chúng tôi không thể nhảy xuống chui vào mộ Hiến vương được.
Shirley Dương nói: “Đừng lo! Trước đây tôi làm phóng viên ảnh của tạp chí địa lý, đã từng đọc rất nhiều tài liệu về các loài động thực vật, cá rắn viper có mặt ở Ấn Độ, Myitkyina, Lào của châu Á và những vùng sông nước gần chí tuyến Bắc và các khu vực vĩ độ 20 của châu Mỹ.”
Trong đó thì Ấn Độ cổ là có nhiều nhất, kinh Phật chép rằng Ấn Độ thời A Dục Vương trị vì, từng có năm cá rắn viper đã trở thành mối đại họa. Năm ấy vừa đúng dịp sông Hằng dâng nước lũ lớn trăm năm chưa từng thấy, một dòng sông chảy ngầm dưới dãy núi Ghats Đông tràn vào một tòa thành gần đó, vô số người và gia súc đã bị làm mồi cho cá.
Tổ tiên của cá rắn viper là cá lợn răng hổ sống vào thời kỳ hậu băng hà. Chúng sống ngoài đại dương, thân mình có bộ phận phát sáng, một đàn cá lợn răng hổ có thể trong nháy mắt hạ gục một con Basilosaurus, là bá chủ đại dương thời ấy. Về sau, những biến đổi to lớn của thời kỳ kế băng hà đã khiến loài cá này bị thiên nhiên đào thải một cách tàn khốc, hậu duệ của chúng là cá rắn viper cũng dần biến thành cá nước ngọt.
Cá rắn viper ghê gớm thật nhưng lại có một nhược điểm rất lớn. Chúng chỉ có thể sống ở vùng nước có nhiệt độ tương đối thấp, quanh chí tuyến Bắc chỉ có những vùng nước lạnh trong các hang đá là thích hợp để chúng sinh tồn, ở những vùng nước ấy có một loài tôm vỏ cứng không mắt, nhiều vô kể, nhưng vẫn không đủ cho lũ cá này ăn, cho nên cũng thường xảy ra những cuộc tàn sát nội bộ. Một đàn cá rắn viper đông đúc, sau tháng Chín hàng năm thường chỉ có 1% sống sót đến thời kỳ đẻ trứng cuối cùng.
Trung thu trăng tròn mỗi năm là thời kỳ cá rắn viper đẻ trứng, bản thân chúng không thể sinh tồn ở nơi quá nóng, nhưng lý do chúng sống ở vùng gần chí tuyến Bắc hơi ấm là bởi chúng phải đến miền nước ấm để đẻ trứng. Đẻ trứng xong, cá rắn viper chết luôn, trứng cá được ủ trong nước ấm để phát triển, nở thành cá con rồi lại bơi về vùng nước lạnh tiếp tục sinh tồn.
Môi trường sống khác thường của cá rắn viper khiến chúng trở nên ít ỏi, không gian sinh tồn rất hẹp.
Mùa này không phải kỳ đẻ trứng của chúng, cho nên khỏi phải lo chúng bơi ra ngoài hang động, nhưng lúc trở về thì phải thận trọng. Vì lượng mưa quá lớn, đường thủy trong núi Già Long thông nhau như mạng nhện, nếu trở về theo đường cũ không chừng sẽ gặp phải chúng ở một chỗ nào đó trong sơn động cũng nên.
Nghe Shirley Dương giải thích tường tận về cá rắn viper, tôi và Tuyền béo mới hơi yên tâm. Tuyền béo cảm thấy lúc nãy mình tỏ ra nhút nhát, giờ muốn gỡ lại thể diện, bèn nói với tôi và Shirley Dương: “Bọn cá tôm thối tha thì làm được trò trống gì, tôi thấy chúng hơi… cái gì ấy nhỉ, ấy là vì Mao chủ tịch đã từng dạy chúng ta rằng, về mặt chiến thuật thì phải coi trọng kẻ địch.”
Shirley Dương nói: “Chuyện về đàn cá thì không đáng lo, tôi vẫn nghĩ đi nghĩ lại mãi, hình như các pho tượng người treo ở giữa dòng sông không đơn giản là để nuôi con trăn khổng lồ kia đâu… Trùng thuật vô cùng quái dị, thực sự là không sao đoán thấu được, may mà có đàn cá rắn viper vớ vẩn thế nào lại xông ra, nếu không đã xảy ra những chuyện gì cũng khó mà biết được. Chưa vào đến Trùng cốc mà đã gặp bao rắc rối rồi, chúng ta nhất định phải hành động cho thật chắc ăn, hết sức cẩn thân mới được…”
Sắc mặt ai nấy đều nặng nề, chuyện đổ đấu lần này là hành động liên quan đến sinh tử tồn vong, chẳng khác nào phi ngựa bên vách núi cao không có đường lui, chỉ cho phép thành công chứ không được thất bại.
Ngồi nghỉ một lúc rồi, chúng tôi giở bản đồ tuyến độ cao của núi Già Long ra, bản đồ này cực kỳ đơn giản, sai số rất lớn, chúng tôi dùng la bàn so chuẩn hướng, xác định lại độ cao so với mực nước biển và phương vị, chỉnh sửa lại số liệu trên bản đồ, đánh dấu phương vị của lối ra, xong xuôi đâu đó ba người lại tiếp tục hành trình, lên đường đi tìm sông Rắn.
Nhánh nhỏ nhất của sông Lan Thương chính là sông Rắn mà chúng tôi muốn tìm, đoạn sông chảy vòng qua núi Già Long nước rất xiết, chêch lệch độ cao vô cùng lớn, có khúc sông chảy luồn xuống lòng đất hoặc vũng sình lầy trong rừng, có chỗ lại chảy theo sườn núi rồi đổ thẳng xuống, thác này tiếp nối thác kia, lòng sông toàn là những xoáy nước khổng lồ, thuyền bè không thể đi qua, lại vì dòng chảy quanh co ngoằn ngoèo nên mới có tên là sông Rắn, còn người dân tộc Bạch ở đây gọi nó là “Chê La Lu Lam” nghĩa là “con rồng dữ bị núi tuyết lớn trấn áp.”
Theo lẽ thường thì tìm ra sông Rắn này không khó, nhưng kế hoạch thường khác xa thực tế, thảm thực vật dưới chân núi này quá dày, không thể nhìn được ra các con sông, chỉ còn cách đi men bên núi Già Long, dò dẫm chầm chậm tiến lên vậy.
Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng, ở cái chốn quái quỷ này cuốn “Thập lục từ âm dương phong thủy bí thuật” hoàn toàn không có đất dụng võ. Muốn nhận diện hình, thế, lý, khí thì phải nhìn rõ núi non sông ngòi ra sao, nhưng ở khu vực này đỉnh núi toàn là mây mù, dưới núi toàn là cây cối dày đặc tràn lan, chẳng khác nào cả vùng núi sông bị trát lên bề mặt một lớp bùn xanh đặc sệt, bên trên lại phủ một lớp bông trắng, không biết đâu mà lần.
Rừng cây dưới vách núi dựng đứng lại càng khó đi, bước vào rồi, bướm chẳng thấy con nào, mà chỉ toàn là ruồi muỗi kiến độc to nhỏ đủ cỡ, lại không có đường đi, đứng trên cao nhìn xuống là một màu xanh rờn, đi vào mới thấy các loài dây leo chằng chịt đan kín, hầu như không có chỗ mà đặt chân, đành dùng xẻng công binh và dao phát mở lối, đồng thời còn phải đề phòng rắn độc và trùng độc tấn công nữa, những gian khổ ấy thật khó mà chịu đựng nổi.
Lúc này mặt trời đã khuất sau núi, mặt đất đang dần bị bóng tối nuốt chửng, rừng nguyên sinh bị một tấm màn đen trùm lấp, mà chúng tôi còn chưa đi được bao xa, có lẽ không thể tìm ra sông Rắn trước khi trời tối, đành phải chọn một nơi tương đối an toàn để qua đêm vậy. Đêm tối trong rừng rậm luôn đầy rẫy hiểm nguy, đây lại là khu vực nằm giữa núi cao sông lớn, áp suất không khí rất biến động, chúng tôi cần tìm một nơi không có quá nhiều muỗi, côn trùng, và khô ráo một chút để đốt lửa cắm trại thì mới qua đêm được.
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một phiến đá xanh rất bằng phẳng nằm giữa hai cây đại thụ, chiếu đèn pin quan sát, thấy xung quanh không có rắn rết sâu bọ gì. Cả ba đều rất mệt, vội lấy nhiên liệu ra nhóm một đống lửa, xung quanh xếp đá nhỏ vây lại. Vì không khí quá ẩm, cần châm đuốc hơ khô phiến đá xanh, sấy khô rêu nấm và hơi ẩm ở các kẽ đá, sau đó mới trải các túi ngủ lên, kẻo khi nằm ngủ sẽ bị khí ẩm nhập vào người rồi sau này sinh bệnh.
Shirley Dương đã ra khe suối gần đấy lấy nước mang về, lọc xong là có thể uống. Tôi lắp đặt một cái nồi dã ngoại cỡ nhỏ đun ít nước sôi, thả mì gia công mua ở quán trọ Thái Vân vào đun lên, không thêm gia vị gì hết kẻo mùi thơm sẽ thu hút loài động vật nào đó mò đến. Khi mì đã chín, chúng tôi bỏ thêm vài miếng bánh tẻ vào nồi, thế là xong bữa tối. Vì chưa biết còn phải đi trong sơn cốc này bao lâu nữa, nên chúng tôi cũng không nỡ mở đồ hộp ăn.
Tuyền béo không ngớt ca cẩm thức ăn quá tệ, chẳng khác nào nhai lông chim. Nói đến chim, cậu ta liền thuận tay cầm lên cây “Kiếm Uy” lên định đi kiếm chút dã vị, nhưng trời đã tối hẳn nên đành thôi, rồi lại ngồi xuống, vừa ăn vừa lầu bầu trách tôi nấu chẳng ra sao, nhạt nhẽo vô vị, nhưng vẫn xơi liền ba bát to.
Ăn xong, chúng tôi quyết định luân phiên ngủ để luôn có người canh chừng, dù sao trong rừng nguyên sinh này ba bề bốn bên đều có hiểm nguy rình rập, ai mà biết được đêm tối sẽ có trùng độc mãnh thú mò đến hay không.
Ca đầu tiên do tôi canh gác, tôi ôm “Kiếm Uy”, nạp đầy đạn cho khẩu súng ngắn 64, ủ đống lửa cháy âm ỉ, sau đó ngồi cách đó một quãng không xa, vừa ê a mấy câu hát quen thuộc cho đỡ buồn ngủ vừa cảnh giác quan sát rừng cây tối đen xung quanh.
Đối diện với tôi là hai cây đa rất bề thế, thân to tướng như cột đá, tán cây buông rủ nặng nề trùm xuống như cái vung lớn, hai thân cây to xù ôm xoắn vào nhau bốn năm vòng như cái bánh quấn thừng, tạo nên một cặp cây phu thê hiếm thấy, trên thân cành còn có rất nhiều loại hoa và thực vật ký sinh chẳng biết tên gọi là gì, toàn cảnh trông như một cái lẵng hoa đủ màu sắc đặt giữa rừng rậm.
Tôi đang mải mê ngắm nhìn, chợt bỗng nghe Shirley Dương đang nằm trong túi ngủ lên tiếng: “Hai cây đa ấy chẳng thọ được lâu nữa đâu, thực vật ký sinh trên cây nhiều quá, cây thì già cỗi, dinh dưỡng nhâp không đủ xuất để nuôi kẻ ăn bám, quá nửa thân cây đã rỗng rồi, nhiều nhất là vài ba năm nữa là cây sẽ chết khô. Có những sự vật đến giai đoạn tươi đẹp nhất thì lại cách thời điểm diệt vong không còn xa nữa.”
Tôi nhận ra ẩn ý trong câu nói của cô nàng, nói cái cây nhưng hình như lại ngụ ý nhắc đến lời nguyền động Quỷ đang ám vào chúng tôi. Tôi chẳng muốn nhắc đến những chuyện không vui, bèn nói với Shirley Dương :” Khuya rồi mà cô chưa ngủ à? Chắc là nhắm mắt lại thấy hiện lên hình bóng khôi vĩ của tôi, nên cứ trằn trọc không ngủ được chứ gì?”
Shirley Dương đáp: “Nếu nhắm mắt lại là nghĩ đến anh thì tốt quá, lúc này tôi hễ nhắm mắt, trong đầu lại hiện lên những pho tượng người trong hang động núi Già Long, càng nghĩ càng thấy lợm giọng, cơm cũng chẳng thiết ăn, đến giờ cũng chẳng ngủ nổi.”
Tôi ngáp dài, rồi nói với Shirley Dương: “Cô đã không ngủ được chi bằng hãy phát huy tinh thần quốc tế chủ nghĩa, đổi gác cho tôi, bao giờ thấy buồn ngủ thì gọi tôi dậy.”
Shirley Dương cười cười nói: “Anh mơ hão vừa thôi, anh và Tuyền béo mà ngủ thì dù sấm vang bên tai cũng không tỉnh dậy. Tôi không ngủ được thì cũng không đổi gác cho anh, kẻo sau nửa đêm anh giả vờ chết không chịu dậy gác nữa thì chết!”
Tôi lắc đầu thở dài: “Cô làm tôi thất vọng quá, những tưởng cô chẳng quản ngại đường xa vạn dặm, từ Mỹ sang đây để giúp đất nước chúng tôi xây dựng bốn hiện đại hóa, ban đầu vốn là sùng bái cô như sùng bái Bethune ấy, trong thâm tâm luôn nghĩ cô là người có đạo đức và cao thượng, là người có ích cho nhân dân, là người từ bỏ những lạc thú thấp hèn, nào ngờ cô lại ích kỷ tự tư, chẳng quan tâm đến cảm nhận của chiến hữu gì cả, thì ra thái độ giản dị dễ gần mọi ngày của cô đều là giả vờ hết cả!”
( Henry Norman Bethune, bác sĩ người Canada, chiến sĩ hòa bình sang giúp Giải phóng quân Trung Quốc trong những năm 1938-1939 )
Shirley Dương nói: “Anh nói cũng hay lắm, nhưng lại quá là ba hoa khoác lác, cứ nói phét mãi cũng không hay đâu! Đằng nào thì cũng mất ngủ, chi bằng anh tiếp chuyện tôi đi, nhưng cấm anh không được nói những điều trong Ngữ lục (Sổ tay ghi những câu châm ngôn của lãnh tụ) nữa.”
Rừng sâu im phăng phắc, không một làn gió nhẹ, dường như mọi động thực vật thảy đều ngủ say, thỉnh thoảng nghe thấy vài tiếng chim kêu lạ lùng từ xa vọng đến. Tôi buồn ngủ díp cả mắt, Tuyền béo nằm trong túi ngủ, rụt cả đầu vào trong, ngáy khò khò, ngủ say tít. Nhưng Shirley Dương không chịu đổi gác, tôi đành câu được câu chăng cố gượng chuyện trò với cô nàng vậy.
Cũng chẳng hiểu sao, nói lan man mãi rồi lại nói đến những con trăn đại tướng ở trong rừng rậm. Tôi nói, trước đây ở Bắc Kinh tôi có gặp một đồng đội cũ cùng đại đội, nghe anh ta chuyện ngồi hầm tai mèo ở tiền tuyến. Hồi đó chiến tranh đang tạm bước vào giai đoạn cầm cự giữ miếng, trên chiến tuyến của cả hai bên đều chi chít hầm tai mèo, thực ra chính là chỗ ẩn nấp cho bộ binh phản kích, khi đào hầm tai mèo rất hay gặp trăn núi cỡ đại. Anh ta bảo với tôi, con trăn lớn nhất phải to như con rồng trong truyền thuyết, hồi đó tôi không tin, nay gặp trăn trong núi Già Long tôi mới biết rằng không phải họ nói bừa.
Tuy nhiên, phần lớn các con trăn không hay chủ động tấn công người, chúng rất lười, cả ngảy chỉ nằm ngủ. Có một số anh lính ngồi hầm tai mèo nóng quá không chịu nổi, cởi trần ra vẫn nóng, bèn đi tìm một chú trăn to đang ngủ trên cây tha về hầm, cả mấy anh nằm nhoài trên mình trăn mát rượi mà ngủ, phải nói là còn dễ chịu hơn cả nằm phòng lắp điều hòa.
Thế rồi con trăn ấy sống luôn trong căn hầm tai mèo, hằng ngày được người ta cho ăn thịt kho đóng hộp, ăn no rồi lại ngủ, về sau, có hôm chiến sự bỗng trở nên rất ác liệt, đối phương pháo kích liên tục chặn cả đường tiếp tế thức ăn. Một lần, do vị trí đào hầm bất lợi, bị một chùm pháo nã trúng khiến cả tiểu đội ngồi trong chết sạch. Lần khác, pháo bắn liền một tuần, xung quanh trận địa kiến cũng không thấy đâu nữa. Trong hầm chẳng còn đồ hộp thịt kho, người có thể tạm nhịn ăn nhưng con trăn to thì không nhịn nổi, nó ở hầm đã quen, hằng ngày hít khói thuốc lá của các chiến sĩ, nên cũng đâm ra nghiện thuốc, đuổi thế nào cũng không đi, nó đói đỏ cả mắt, nên chỉ lăm le ăn thịt người, cuối cùng họ đành phải nổ súng bắn chết nó. Họ lột da trăn rồi trải trong hầm, ruồi muỗi chuột bọ đều sợ không dám vào. Có hôm đối phương lợi dụng đêm tối mò sang đánh khu hầm, chiến sĩ canh gác thì ngủ gật nên không phát hiện ra. Tên địch định ném bộc phá vào hầm, nhưng bỗng thấy mình như bị con trăn quấn chặt lấy không cựa quậy gì được, xương cốt gần như bị một sức mạnh ghê gớm ghì vỡ vụn nhưng trên mình rõ ràng là không có thứ gì cả. Hôm sau các chiến sĩ trong hầm tai mèo phát hiện ra tấm da trăn đó…
Tôi kể chuyện phét cho Shirley Dương, về sau thì cả tôi cũng không hiểu mình đang nói gì nữa, cơn buồn ngủ xâm chiếm không sao gượng nổi, tôi cứ thế ôm “Kiếm Uy” ngủ lúc nào không hay.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | [Truyện Tết] Ma thổi đèn - Quyển 3 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Ngày cập nhật | 26/01/2017 04:50 (GMT+7) |